Khóa bồi dưỡng về hệ mô phỏng lò phản ứng VVER-1200
Hệ mô phỏng nhà máy điện hạt nhân lò VVER-1200 công suất 1200 MWe thời gian thực lần đầu tiên được lắp đặt tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam). Đây là cơ sở quan trọng phục vụ quá trình học tập và thực tập của các cán bộ ngành năng lượng nguyên tử mà không cần phải trực tiếp vận hành các hệ thống lò phản ứng của nhà máy hoặc các bàn điều khiển thực.
20 học viên tham gia Khóa bồi dưỡng về hệ mô phỏng nhà máy điện hạt nhân lò phản ứng VVER-1200, khai giảng tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân vào ngày 23/11 sẽ được nghiên cứu và thực hành trên hệ mô phỏng này, vốn do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tài trợ trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật về “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, Pha II” (VIE2012) do Cục Năng lượng nguyên tử chủ trì. Hệ mô phỏng nhà máy điện hạt nhân lò VVER-1200 được lắp đặt với sự hỗ trợ của các chuyên gia Mỹ, bao gồm một máy chủ và bốn máy trạm đã được cài đặt phần mềm, có khả năng mô phỏng tính toán các thông số thực, cung cấp, dự báo những sự cố xảy ra, quy trình vận hành và diễn biến hoạt động của lò phản ứng.
Việc nghiên cứu và thực hành trên hệ mô phỏng nhà máy điện hạt nhân lò phản ứng VVER-1200 đóng vai trò hết sức quan trọng trong chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam bởi VVER-1200 là công nghệ đã được lựa chọn cho nhà máy Ninh Thuận 1. Đây là công nghệ tiên tiến thuộc thế hệ ba cộng (lò phản ứng nước áp lực PWR) do Nga phát triển trên cơ sở công nghệ lò phản ứng VVER-1000.
Diễn ra trong vòng ba tuần, các học viên của khóa học sẽ được hai chuyên gia giàu kinh nghiệm của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và hai chuyên gia Mỹ trực tiếp giảng dạy với các kiến thức cơ bản về lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân, hệ mô phỏng lò phản ứng VVER-1200… Sau đó họ sẽ được thực hành trên hệ thống mô phỏng về điều khiển lò, tăng – giảm công suất lò, dập lò trong điều kiện bình thường và tái khởi động lò phản ứng.
Cán bộ Việt Nam tham gia quy trình kiểm tra hệ mô phỏng nhà máy điện hạt nhân lò VVER-1200 trước khi đưa về lắp đặt tại Việt Nam. Ảnh: Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ KH&CN)
Kết thúc khóa học, các học viên sẽ có những kiến thức mới về lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân, có kỹ năng vận hành Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1000/1200.
Theo nhóm nghiên cứu về công nghệ VVER-1000/1200 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, để sử dụng hiệu quả hệ mô phỏng này, Việt Nam cần xác định hai nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng nhóm cán bộ vận hành có năng lực và hiểu biết về công nghệ lò VVER và hệ mô phỏng; Xây dựng chương trình đào tạo thích hợp, bao gồm các chương trình cơ sở lý thuyết, các hệ thống công nghệ và chương trình thực hành trên hệ mô phỏng, phục vụ tốt cho đào tạo cán bộ và sinh viên ngành công nghệ hạt nhân.
Đọc thêm:
Hệ mô phỏng nhà máy điện hạt nhân và ứng dụng trong chương trình đào tạo (Kỳ 1)
Hệ mô phỏng nhà máy điện hạt nhân và ứng dụng trong chương trình đào tạo (Kỳ cuối)