Khoa học chân chính không thể thiếu bình đẳng và tự do tuyệt đối

Phát biểu tại lễ chào mừng tối 29/8, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh, môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi mà học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng của các nhà khoa học không phân biệt già trẻ, cùng với sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.

Tối 29/8, lễ chào mừng GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields 2010 đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham dự của hơn 4.000 người.

Mở đầu buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu bày tỏ sự vui mừng về sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, một sự kiện đã làm rạng danh đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam. “Vinh quang này là công lao, nỗ lực, niềm tự hào của GS, gia đình, các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu, thầy cô ở Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ, là niềm tự hào của giáo dục Việt Nam”.

Thủ tướng đánh giá cao, mặc dù phải tập trung vào nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, nhưng thời gian qua, GS Ngô Bảo Châu vẫn dành thời gian giảng dạy ở trong nước, làm cầu nối giao lưu sinh viên Việt Nam với các nhà khoa học thế giới.

Thủ tướng mong muốn Việt Nam sẽ có xã hội học tập và mọi người có cơ hội tiếp thu tri thức và cơ chế trọng dụng nhân tài. “Tôi mong thế hệ trẻ noi gương GS Ngô Bảo Châu tự tin dấn thân vào khoa học, tìm tòi nghiên cứu tốt nhất. Chính phủ sẽ tạo mọi cơ hội cho các thế hệ trẻ, các nhà khoa học đóng góp ngày càng nhiều,” Thủ tướng nói.

Sau phát biểu chào mừng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  Phạm Vũ Luận cùng hai bạn trẻ, GS.Ngô Bảo Châu bắt đầu bài phát biểu được chờ đợi nhất tại buổi lễ.

“Trước hết, tôi xin bày tỏ tấm lòng cảm kích của tôi đối với Nhà nước và Chính phủ đã tổ chức buổi lễ mừng công hôm nay với một tấm lòng trân trọng và chân thành. Bắt gặp sự hân hoan, niềm tự hào trong mắt các bạn học sinh, sinh viên trong buổi lễ hôm nay làm sự hân hoan, tự hào của cá nhân tôi được nhân lên nhiều lần,” ông mở đầu.

Tiếp theo đó, ông nói về những yếu tố đã làm nên thành công của mình. Đó là sự hy sinh của cha mẹ, nhịn ăn nhịn mặc lo cho con ăn học vào lúc kinh tế khó khăn thời kỳ hậu chiến; là sự nuôi dưỡng của cộng đồng Toán học Việt Nam. “Trong cộng đồng Toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là lẽ tự nhiên. Gần đây, do được cộng tác với một số nhà khoa học khác, tôi mới hiểu ra rằng, tinh thần yêu thương, đoàn kết trong cộng đồng toán học Việt Nam là cái hiếm hoi và đáng quý.”

Ông còn nói nhiều về may mắn được học tập tại ĐH Sư phạm Paris – ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp, với người thầy là giáo sư Gerard Laumon; và được làm việc ở Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp Princeton (Mỹ), nơi quy tụ của nhiều nhà toán học và nhà vật lý hàng đầu thế giới. “Nếu không có thời gian làm việc tại Princeton rất có thể bổ đề cơ bản chưa được hoàn thành vào thời điểm này”, GS Ngô Bảo Châu nói.

Từ trải nghiệm ở Pháp và Mỹ, ông hiểu ra rằng, “môi trường khoa học lành mạnh là tiền để cho sự phát triển của các nhà nghiên cứu khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi mà học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng của các nhà khoa học không phân biệt già trẻ, cùng với sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học”.

Theo ông, “nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ là chuyên môn mà còn là đem đến cơ hội cho những người trẻ không kể xuất xứ, lai lịch cơ hội để phát triển tiềm năng trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đó là điều tôi muốn nói với các nhà khoa học quản lý  và tất cả những người làm cha mẹ. Hiện thực khoa học, giáo dục nước nhà chưa được như mong đợi nhưng với ý thức mỗi người, sự cố gắng của Chính phủ qua các quyết sách đúng đắn, dũng cảm sẽ là tiền đề cho những chuyển biến tích cực”, GS.Ngô Bảo Châu nói.

Lễ chào mừng được tổ chức một ngày sau khi GS Ngô Bảo Châu trở về từ Hội nghị các nhà toán học quốc tế ở Hyderabat (Ấn Độ), nơi ông được trao Huy chương Fields, giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)