Không còn tê giác một sừng ở Việt Nam

Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) và Tổ chức Bảo tồn Tê giác Thế giới (IRF) mới đây đã khẳng định về sự ra đi vĩnh viễn của loài tê giác Java (Rhinoceros sondaicus annamiticus), hay còn gọi là tê giác một sừng, tại Việt Nam.

Kết quả phân tích di truyền học 22 mẫu phân mà một nhóm khảo sát của WWF thu thập được tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (nằm trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) trong hai năm 2009 – 2010 cho thấy tất cả các mẫu phân này đều thuộc về một con tê giác được phát hiện chết trong Vườn Quốc gia vào tháng 4/2010, không lâu sau khi khảo sát hoàn thành.

Đồng thời, những phát hiện được trình bày trong báo cáo mới này của WWF cũng chỉ rõ nạn săn trộm có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của cá thể tê giác nói trên bởi khi tìm thấy, trong chân của nó đã bị găm một viên đạn và sừng tê giác đã “không cánh mà bay”.

Trước đó, năm 2004, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Queen (Canada) đã tiến hành khảo sát và kết luận có ít nhất hai cá thể tê giác đang sống ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. “Tuy nhiên giờ đây, cá thể tê giác Java cuối cùng cũng đã tử vong. Thật đau buồn vì mặc dù đã đầu tư đáng kể cho các nỗ lực bảo tồn quần thể tê giác tại Việt Nam, song chúng ta vẫn không thể cứu được loài động vật quý hiếm này. Tê giác Java tuyệt chủng, Việt Nam nghiễm nhiên bị mất đi một phần di sản thiên nhiên của đất nước,” bà Trần Thị Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam, ngậm ngùi chia sẻ.

Loài tê giác này đã được cho là tuyệt chủng ở lục địa châu Á đến tận khi người ta săn được một cá thể tê giác trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 1988, dẫn đến việc phát hiện ra một quần thể tê giác nhỏ. Từ sau đó, rất nhiều tổ chức đã tích cực tham gia bảo tồn quần thể tê giác cuối cùng còn sót lại, nhưng rốt cuộc, chính hoạt động bảo vệ kém hiệu quả của vườn đã trở thành nguyên nhân đẩy loài tê giác này tới bờ vực tuyệt chủng. Đây cũng là vấn đề chung ở hầu hết các khu bảo tồn tại Việt Nam, báo cáo nói trên của WWF nhận định.

Săn bắn bất hợp pháp để cung cấp cho buôn bán động vật hoang dã đã gây suy giảm nhiều loài Việt Nam, biến chúng trở thành các quần thể nhỏ và cô lập. Hổ, voi châu Á và các loài đặc hữu như sao la, voọc mũi hếch và cá sấu Xiêm cũng đang bị đẩy vào bờ vực tuyệt chủng ở trong nước.

Thừa nhận rằng mất môi trường sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng số phận của loài tê giác một sừng Java bị kết liễu tại Việt Nam, WWF cũng đồng thời cảnh báo việc thực thi luật pháp chưa toàn diện và tình trạng quản lý các khu bảo tồn, kiểm soát các hành vi xâm phạm và phát triển cơ sở hạ tầng kém hiệu quả đang diễn ra bên trong và xung quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam sẽ chỉ tăng thêm áp lực lên các quần thể loài dễ bị tổn thương.

Còn theo Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF tại khu vực Tiểu vùng Mê Kông, thì: “Bi kịch của tê giác Java ở Việt Nam là dấu hiệu ảm đạm về cuộc khủng hoảng tuyệt chủng. Chỉ có bảo vệ nơi cư trú tự nhiên của các loài nguy cấp và ngăn chặn nạn săn trộm, buôn bán trái phép động vật hoang dã mới mong bảo tồn được chúng. Thời gian qua, những nỗ lực bảo tồn tê giác Java tại Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để cứu loài ra khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nếu tình trạng ấy vẫn cứ tiếp diễn thì rất có thể sẽ có thêm nhiều loài khác tuyệt chủng tại Việt Nam. Các khu bảo tồn của Việt Nam cần nhiều kiểm lâm hơn, được đào tạo, giám sát tốt hơn và có trách nhiệm hơn.”

Trong khi đó, “xét cả về mặt kinh tế hay trên phương diện thực tiễn, việc tái du nhập tê giác Java vào Việt Nam là không hề khả thi. Vì thế, chúng ta sẽ không còn cơ hội nhìn thấy tê giác Java trên dải đất hình chữ S,” – Christy Williams, Điều phối viên Chương trình Voi và Tê giác Châu Á của WWF, nhận định.

Được biết, tê giác Java giờ chỉ còn một quần thể dưới 50 con đang sinh sống trong một vườn quốc gia nhỏ tại Indonesia. Chúng được liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp (CE) trong Sách đỏ. Với nhu cầu mua bán sừng tê giác làm thuốc không ngừng gia tăng ở châu Á, vấn đề bảo vệ và nhân rộng quần thể tê giác Java tại Indonesia chắc chắn phải trở thành ưu tiên hàng đầu nếu muốn ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng của chúng trên phạm vi khu vực và thế giới.

Thiên Thiên (Theo WWF)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)