Làm gì để nuôi một thế giới đói nghèo?

Việc sản xuất đủ lương thực thực phẩm cho dân số toàn thế giới vào năm 2050 là điều hoàn toàn khả thi. Nhưng để làm được điều ở mức chi phí ở mức chấp nhận được thì sẽ phụ thuộc vào việc tiến hành nghiên cứu trên mọi phương diện, từ tạo ra hạt giống mới với công nghệ cao tới những kỹ thuật canh tác đơn giản.  

Với dân số Thế giới dự kiến sẽ tăng từ 6,8 tỉ hiện nay lên 9,1 tỉ vào năm 2050, nỗi bi quan theo trường phái Malthus đang dần thành hình: làm thế nào để nuôi những miệng ăn mới? Dân số Thế giới từ năm 2007 đã tăng lên hơn gấp đôi mức 3 tỷ của năm 1961 nhưng sản lượng nông nghiệp cũng tăng theo tương ứng, và theo những dự báo hiện nay thì xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Phải thừa nhận là biến đổi khí hậu khiến cho các dự báo về sản lượng nông nghiệp kém phần chắc chắn hơn khá nhiều, nhưng điều đó đơn thuần chỉ nhấn mạnh hơn sự cần thiết của việc giám sát và nghiên cứu để có thể dự đoán tốt hơn. Nhưng ngoài vấn đề này ra thì căn cứ theo lời một viên chức của Tổ chức Nông Lương ( FAO ) của Liên Hiệp Quốc, nhiệm vụ nuôi sống dân số thế giới vào năm 2050 dường như hoàn toàn khả thi.

Nhiệm vụ này thật đơn giản nếu nhân loại cứ tiếp tục khai hoang những vùng đất hoang mới, gia tăng hơn nữa việc bón phân, phun thuốc trừ sâu, và rút kiệt hơn nữa nguồn nước ngầm khan hiếm. Nhưng phát quang hàng trăm triệu hecta đất hoang – phần lớn diện tích đất hoang còn lại hiện đang ở châu Mỹ Latinh và Châu Phi – và gia tăng hình thức canh tác hiện nay, vốn đòi hỏi rất nhiều tài nguyên, gây tổn hại môi trường, không phải là một lựa chọn hay. Những thử thách thực sự trong những thập niên tới là làm thế nào để mở rộng sản lượng nông nghiệp mà không cần gia tăng diện tích đất sử dụng.

Giải pháp cần thiết là một cuộc cách mạng xanh lần thứ hai, cách tiếp cận mà Hội khoa học Hoàng gia Anh, đặt tên rất hay là: “Tập trung hóa nông nghiệp toàn cầu một cách bền vững. Một cuộc cách mạng như vậy đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu một cách toàn diện những ưu tiên trong nghiên cứu về nông nghiệp. Nhu cầu cấp bách hiện nay là tạo ra những giống cây trồng mới với sản lượng cao nhưng lại sử dụng ít nước, phân bón và các nguyên liệu đầu vào khác – ví dụ như qua nghiên cứu tạo ra những thay đổi ở rễ cây, một lĩnh vực nghiên cứu từ lâu không được lưu ý – và tạo ra những cây trồng có sức đề kháng tốt hơn với hạn hán, nóng nực, ngập úng, và sâu bệnh. Không kém phần quan trọng là các nghiên cứu mang tính chất công nghệ thấp như về luân canh, chăn nuôi và canh tác hỗn hợp tại các trang trại nhỏ, quản lý đất màu và giảm thiểu lãng phí thực phẩm. (Khoảng một phần tư và một phần ba thức ăn toàn cầu tạo ra bị mất mát hoặc bị hư hại)

Các quốc gia đang phát triển có thể đạt được năng suất cao hơn bằng cách sử dụng công nghệ và phương pháp canh tác hiện đại. Nhưng như vậy phải cần đến tiền: Tổ chức Nông Lương (FAO) dự đoán tới năm 2050 để giải quyết các thách thức trong nông nghiệp, tổng đầu tư cho nông nghiệp ở các nước đang phát triển trên Thế giới phải tăng gấp đôi, đạt 83 tỉ đôla một năm. Hầu hết số tiền đó cần được dùng cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, từ sản xuất đến lưu trữ và xử lý. Ở Châu Phi, đường sá nghèo nàn gây hạn chế cho năng suất nông nghiệp, gây tốn kém và khó khăn cho nông dân trong việc mua phân bón tổng hợp. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu cũng cần được tập trung vào nhu cầu của các quốc gia nghèo đói nhất và ít tài nguyên nhất, nơi mà phần lớn dân số trên Thế giới đang sinh sống và cũng là nơi mà tốc độ tăng trưởng dân số trong những thập ky tới sẽ nhiều nhất. Quan trọng hơn cả, cải cách nông nghiệp đòi hỏi sự tiếp cận đa ngành liên quan tới không chỉ ở các nhà sinh học, nông học, và nông dân, mà cần cả những nhà sinh thái học, những người hoạch định chính sách, và các nhà khoa học xã hội.

Điều tích cực trong thực tế hiện nay là các nhà khoa học nông nghiệp trên Thế giới hiện đang ủng hộ cho cái nhìn rộng mở như vậy. Vào tháng Ba, họ tổ chức cuộc Hội thảo Toàn về Nghiên cứu Nông nghiệp cho Phát triển lần thứ nhất ở Montpellier, Pháp, để bắt đầu tìm cách điều chỉnh xu hướng nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của nông dân ở các nước nghèo. Nhưng kế hoạch này sẽ không có kết quả trừ khi họ được hỗ trợ đáng kể từ các nhà hoạch định chính sách và các nhà tài trợ.

Tốc độ tăng trưởng của chi phí công dành cho nghiên cứu nông nghiệp đạt mức cao nhất vào những năm 1970 và giảm dần từ đó. Ngày nay chi cho nghiên cứu nông nghiệp hầu như không tăng ở các quốc gia giàu có và đang thực sự giảm tại các quốc gia ở vùng hạ Sahara của châu Phi, nơi có nhu cầu về lương thực lớn nhất. Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ, nơi mà chi cho nghiên cứu nông nghiệp được tính theo cấp số nhân trong thập kỷ qua, và ở mức độ thấp hơn là Ấn Độ và Braxin. Ba quốc gia này dường như đã được xác lập để trở thành nhà cung cấp then chốt về khoa học công nghệ phù hợp đối với các quốc gia nghèo. Nhưng những quốc gia giàu cũng cần phải có trách nhiệm, và lời kêu gọi từ các nhà khoa học nhằm gia tăng mạnh mẽ chi tiêu công vào những nghiên cứu nông nghiệp phù hợp cho các quốc gia đang phát triển trên Thế giới là hoàn toàn xác đáng.

Khu vực tư nhân cũng đóng một vai trò quan trọng. Trước đây, các công ty công nghệ sinh học trong nông nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường nông nghiệp béo bở ở các quốc gia giàu có, nơi số lượng các nghiên cứu có nguồn từ tư nhân chiếm hơn một nửa trong tổng số nghiên cứu dành cho nông nghiệp. Tuy nhiên gần đây họ đã bắt đầu tham gia vào các mối quan hệ công tư hợp tác để tạo ra giống cây trồng thoả mãn nhu cầu ở các quốc gia nghèo. Hình thức hợp tác này là sự mô phỏng hiện tượng nổi lên cách đây hơn một thập kỷ khi Nhà nước cộng tác với các công ty dược phẩm để giải quyết yếu kém của thị trường trong việc tạo ra các loại thuốc và vắcxin cho những căn bệnh ít được các nước phát triển quan tâm.

Biến đổi gen (GM) là một phần quan trọng trong gói giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, bên cạnh các kỹ thuật chăn nuôi truyền thống. Nhưng đó không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết nạn đói trên thế giới, mặc dù chúng nhận được khá nhiều sự ủng hộ nhiệt thành. Trên thực tế, thế hệ đầu tiên của giống cây trồng GM phần lớn không phù hợp cho các nước nghèo. Tuyên truyền quá nhiều về những lợi ích của cây trồng biến đổi gene chỉ càng làm tăng sự ngờ vực của công chúng, với những quan ngại về tư hữu hóa và độc quyền hóa trong nông nghiệp, và sự chú trọng quá nhiều vào lợi nhuận.

Khoa học và công nghệ cũng không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết nạn đói trên Thế giới. Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là sự nghèo đói chứ không phải hạn chế trong khả năng sản xuất lương thực. Thế giới hiện nay dù thừa lương thực, nhưng khoảng 1 tỉ người vẫn còn sống đói khổ vì họ không thể trả tiền để mua. Khủng hoảng lương thực năm 2008 làm khoảng 100 triệu người đói, thực ra không phải vì thiếu lương thực mà do biến động thị trường – với nguyên nhân thực sự không hẳn chỉ liên quan tới nguồn cung và cầu – khiến giá lương thực tăng vọt và gây bạo loạn ở một số quốc gia. Kinh tế cũng có thể ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm theo nhiều cách khác. Các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế vẫn thường hỗ trợ nông dân của họ khoảng 1 tỉ đôla mỗi ngày. Điều này khiến cho nông dân ở các quốc gia đang phát triển khó có thể cạnh tranh để đạt được vị thế trên thị trường Thế giới.

Mặc dù vậy, nghiên cứu cho nông nghiệp có thể có ảnh hưởng quyết định thông qua việc tạo ra một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, một giải pháp đã được chứng minh là sẽ giúp xây dựng một lộ trình đưa các cộng đồng thoát khỏi đói nghèo.

* Chú thích ảnh:
Vùng màu đỏ: trên 35% dân số suy dinh dưỡng; Vùng màu cam: 20-34% dân số suy dinh dưỡng; Vùng màu vàng: 10-19% dân số suy dinh dưỡng; Vùng màu ghi hồng: 5-9% dân số suy dinh dưỡng; Vùng màu ghi xanh: dưới 5% dân số suy dinh dưỡng; Vùng màu trắng: không đủ số liệu.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)