Lấy lại niềm tin của người dân vào năng lượng hạt nhân
Ông Hahn Choong-hee, phát ngôn viên của Hàn Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân Seoul 2012 diễn ra vào tháng 3 tới, cho biết Hội nghị sẽ chuyển từ tuyên bố chính trị sang tầm nhìn thực tế, lấy lại niềm tin của người dân vào việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình.
Phát biểu trên được đưa ra tại diễn đàn “Hướng tới hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul 2012”, do Cục An toàn bức xạ hạt nhân phối hợp cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại VN tổ chức tại Hà Nội sáng 27/12. Tham gia hội nghị có Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến, các chuyên gia Việt Nam và đặc biệt là các chuyên gia đến từ Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS), Viện Kiểm soát và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân Hàn Quốc (KINAC)…
Ông Hahn Choong-hee cũng cho biết một nội dung lớn của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này là tập trung xem xét, đánh giá những tiến triển đã đạt được kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Washington hồi tháng 4/2010, làm mới và nhấn mạnh lại các nguyên tắc và tinh thần của Hội nghị Washington. Biểu tượng chính thức của Hội nghị là chữ ‘S’ cách điệu, viết tắt của Seoul, Security (An ninh) và Summit (Hội nghị thượng đỉnh). Khẩu hiệu chính thức là “Đi xa hơn an ninh để hướng tới hòa bình”.
Nói về các hoạt động hạt nhân của Hàn Quốc, ông Wan Ki Yoon – giám đốc Trung tâm An ninh hạt nhân thuộc KINAC cho biết, Hàn Quốc hiện có 21 lò phản ứng đang hoạt động, 7 lò đang xây dựng và 2 lò đang trong kế hoạch xây dựng. Năng lượng hạt nhân chiếm 35% sản lượng điện của Hàn Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc đã xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tới Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, xuất khẩu lò phản ứng nghiên cứu đầu tiên tới Jordan.
Ông Wan cũng chia sẻ hệ thống hoạt động, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của các cơ quan quan trọng của Hàn Quốc trong lĩnh vực an ninh hạt nhân như Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS), KINAC, Viện An ninh hạt nhân quốc tế.
Về phía VN, TS Đặng Thanh Lương – Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – đã trình bày tình hình an ninh hạt nhân tại VN. Ông cho biết, VN hiện có 1.519 nguồn phóng xạ đang được sử dụng, 1.515 nguồn phóng xạ đang lưu giữ tại các kho, đã vận hành 1 lò phản ứng nghiên cứu dạng bể chứa với công suất 500 KW. Năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử. Đặc biệt, đề án “Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” đã được Thủ tướng thông qua hồi tháng 3/2011.
TS Lương cũng nêu định hướng phát triển điện hạt nhân của VN là tới năm 2020, tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW sẽ được đưa vào hoạt động; năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân đạt 10.700 MW (chiếm 10,1% tổng công suất nguồn điện).