Lũ lụt ở Pakistan: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới?

Lụt lội ở Pakistan đã bắt đầu từ hơn 3 tuần nay và các trận mưa vẫn còn tiếp diễn. Được coi là trận lụt ác liệt nhất trong vòng 80 năm trở lại đây của Pakistan, dòng lũ lớn này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, đến nay đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Sau khi trận lũ kết thúc thì những hậu quả của nó nhiều khả năng sẽ còn kéo dài, Nature xem xét  tác động đang leo thang của thảm hoạ đối với con người.

Vậy đâu là nguyên nhân chính của của trận mưa lớn dữ dội?
Theo các nhà khí tượng học thì nguyên nhân là do thời tiết, không phải do biến đổi khí hậu. Các luồng khí khác thường xuất hiện trên thượng tầng khí quyển từ phía Bắc làm gia tăng các trận mưa trong khu vực vào đúng thời điểm mùa mưa giữa mùa hè. “Năm nay khác với các năm khác là do mật độ và tính tập trung cao nhằm vào một khu vực của các trận mưa”, nhận định từ Ramesh Kumar, nhà khí tượng tại viện Quốc gia Hải Dương học tại Goa, Ấn Độ. “Lượng mưa thông thường của bốn tháng đã trút xuống chỉ trong ít ngày”.

Hoạt động của con người có làm cho nạn lũ lụt tồi tệ hơn?
Đúng vậy. Sự tăng trưởng về dân số ở Pakistan đã góp phần phá huỷ đến môi trường tự nhiên của quốc gia. Bao gồm nạn phá rừng tràn lan và việc xây dựng các con đập ngăn nước cho thuỷ lợi và trạm phát điện qua các nhánh của sông Indus. Nhiều năm bất ổn chính trị cũng để lại hậu quả, nước lũ cuốn theo cả những trái mìn từng được chôn dưới đất, gây gia tăng nguy hiểm cho công tác cứu trợ.

Đây có phải là thảm hoạ nhân đạo lớn hơn cơn sóng thần Tsunami ở Châu Á năm 2004 như một số bản tin của giới truyền thông đã khẳng định?
Chỉ tính riêng về tổng số người bị chết, có 1,600 người thiệt mạng, con số này ít gấp 100 lần so với trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, quy mô của thảm kịch hiện vẫn tiếp tục gia tăng, trước mắt  khoảng 14 triệu người cần được viện trợ khẩn cấp. Nhiều cây cầu và đường sá ở Pakistan đã bị sụp đổ, trong khi thời tiết khắc nghiệt khiến trực thăng không thể cất cánh và làm chậm lại tiến độ cứu trợ.

Vào ngày 11 tháng 8, Liên hiệp quốc và các đối tác kêu gọi viện trợ, và Ngân hàng Thế giới đã công bố ủng hộ 900 triệu đô-la Mỹ cho cứu trợ và tái thiết.

Vậy tình hình bệnh dịch thì sao?
Một  thực tế khó khăn là các căn bệnh lây lan qua nguồn nước cũng gắn liền với lũ lụt, và trận lũ năm nay không phải là ngoại lệ với nạn dịch tả bùng phát đã được báo cáo ở miền Bắc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Người ta sợ rằng điều kiện vệ sinh thiếu thốn sẽ khiến dịch tiêu chảy nguy hiểm lan rộng. Và tình trạng nước ứ đọng có thể còn mang đến các hiểm hoạ khác. “Trận lũ ở Pakistan và tình trạng ứ đọng nước cũng có thể gây gia tăng số lượng các ca bệnh sốt rét”, Sandy Cairncross, một  kỹ sư ngành y tế cộng đồng ở trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới ở London cho biết.

Làm thế nào để Pakistan có thể chuẩn bị  đối phó với các trận lũ trong tương lai?
“Hiện nay không có một chiến lược quản lý nước hiệu quả nào dành cho Pakistan” quốc vương Iran Alian, trưởng đại diện của Công đoàn Quốc tế về Bảo tồn Tự nhiên tại Pakistan phát biểu.
Một chiến lược như vậy sẽ phải bao gồm việc xây dựng đầy đủ một hệ thống đê kháng lụt dọc con sông Indus, nơi hầu hết dân số miền Nam Pakistan sinh sống, và nâng cao hệ thống dự báo lũ. Hiện đã có nỗ lực mang tính quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Hôi đồng Châu Âu đang phát triển và thử nghiệm hệ thống cảnh báo lũ toàn cầu được kiểm soát bằng vệ tinh ngoài không gian.

Khí hậu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến khu vực này như thế nào trong tương lai?
“Khi bầu không khí nóng lên, khả năng mang hơi ẩm sẽ gia tăng,” Kumar nói. Nói một cách đơn giản: Sắp tới nếu khí hậu của Pakistan ấm lên thì lượng mưa sẽ gia tăng.

Khắp vùng tiểu lục địa thuộc Ấn Độ dường như chưa từng có nhiều trận mưa bão lớn nghiêm trọng như hiện nay. Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy xu hướng này có thể tiếp diễn, tuy nhiên các nhà nghiên cứu không chỉ rõ có mối liên hệ giữa hiện tượng này với việc biến đổi khí hậu.

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại tin rằng nạn lụt hiện tại có thể là một phần của một xu hướng lâu dài. “Biến đổi khí hậu đóng góp một phần nhỏ nhưng sẽ tác động thường trực tới lượng mưa trong khu vực”, Jeff Knight, một chuyên gia dự báo biến đổi khí hậu ở Trung tâm UK Met Office Hadley cho biết.

(Kate Larkin, Nature News, đăng ngày 17/8/2010)

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)