Mới có 132 doanh nghiệp KH&CN được công nhận

Theo Bộ KH&CN, hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực KH&CN, tuy nhiên, tính đến tháng 11/2014, mới chỉ có 132 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.  

Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có thêm khoảng 20 – 30 hồ sơ chờ thẩm định được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

So với mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 3.000 doanh nghiệp KH&CN như đã đề ra trong Chiến lược phát triển KH&CN 2010-2020, thì con số doanh nghiệp KH&CN đã được công nhận còn quá khiêm tốn. Khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp KH&CN là nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về đổi mới công nghệ hạn chế; thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực và tâm huyết; sự hỗ trợ của Nhà nước chưa đồng bộ, chưa mang tính hệ thống; thiếu vốn đầu tư cho hoạt động R&D, vì vậy quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp hiện nay diễn ra chậm chạp và trên quy mô nhỏ. Để đến gần hơn mục tiêu 3.000 doanh nghiệp KH&CN, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ ban hành nhiều cơ chế chính sách, triển khai các hoạt động ưu đãi, hỗ trợ về vốn tới các doanh nghiệp KH&CN.

Khảo sát của Bộ KH&CN cho thấy, các doanh nghiệp KH&CN tập trung chủ yếu ở Hà Nội (17 doanh nghiệp) và TP Hồ Chí Minh (17 doanh nghiệp), và chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực giống cây trồng, dược liệu, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản, y tế…

Năm 2012, doanh nghiệp KH&CN có doanh thu bình quân 59,8 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân là 6,4 tỷ đồng. Tính từ năm 2007 đến nay, số doanh nghiệp KH&CN giải thể hoặc ngừng hoạt động chỉ chiếm 4,5%.

Trong số 85 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, có 31 doanh nghiệp đã trích và sử dụng Quỹ với tổng số tiền trích lập là 414 tỉ đồng. Việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp được chờ đợi sẽ góp phần phát huy hết tiềm năng R&D của doanh nghiệp, giảm bớt hiện tượng mua lại công nghệ có sẵn của nước ngoài…

 

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)