Một cuốn tiểu thuyết đồ sộ*

Báo Le Figaro viết: “Một tảng đá đột ngột nhô lên trên bãi biển giữa một mùa văn học đã có phần nguôi. Quả là một tảng đá bởi cái vật thể ấy đồ sộ đến gần một nghìn trang, và còn vì ném vào cửa kính các hàng sách nó chứa cái thứ có thể làm nổ tung cả nền văn học đương đại, ít nhất là trong mùa thu này”. Jérôme Garcin, nhà phê bình của báo Người quan sát mới thì viết: “Không chỉ là một cuốn sách rất bự, còn là một cuốn sách rất lớn. Trong lịch sử văn học Pháp gần đây, chưa bao giờ một người chân ướt chân ráo vào nghề lại có một ý đồ nhiều tham vọng đến thế, một tay nghề điêu luyện mức ấy, một sự tỉ mỉ trong tư liệu lịch sử như vậy và một sự bình tâm tới độ đó khi viết về nỗi kinh hoàng”.

Báo Le Figaro viết: “Một tảng đá đột ngột nhô lên trên bãi biển giữa một mùa văn học đã có phần nguôi. Quả là một tảng đá bởi cái vật thể ấy đồ sộ đến gần một nghìn trang, và còn vì ném vào cửa kính các hàng sách nó chứa cái thứ có thể làm nổ tung cả nền văn học đương đại, ít nhất là trong mùa thu này”. Jérôme Garcin, nhà phê bình của báo Người quan sát mới thì viết: “Không chỉ là một cuốn sách rất bự, còn là một cuốn sách rất lớn. Trong lịch sử văn học Pháp gần đây, chưa bao giờ một người chân ướt chân ráo vào nghề lại có một ý đồ nhiều tham vọng đến thế, một tay nghề điêu luyện mức ấy, một sự tỉ mỉ trong tư liệu lịch sử như vậy và một sự bình tâm tới độ đó khi viết về nỗi kinh hoàng”.
Vật thể đồ sộ đó là cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn 38 tuổi, Jonathan Littell, sinh ở New York, quốc tịch Mỹ, có vợ là người Bỉ, hiện sống ở Tây Ban Nha, lần đầu tiên viết bằng tiếng Pháp, và gần như ngay lập tức đoạt cùng lúc hai giải thưởng uy tín nhất của văn học Pháp là Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp và Giải Goncourt 2006. Le Figaro nói về tác giả: “Một khuôn mặt thiên thần, dẫu có đôi chút bồn chồn. Trông giống như một trong các thiên thần thượng đẳng có thể dí ngọn đuốc của mình sát rạt một thùng thuốc nổ mà không hề sợ gây ra cảnh tận thế”. Quả thật cuốn sách viết về một thứ cận kề tận thế: cuộc diệt chủng điên dại của phát-xít Đức trong Thế chiến thứ hai.
Tên sách: Les Bienveillantes, có thể dịch là Các Bà Từ tâm, có phần hơi khó hiểu. Câu cuối cùng kết thúc gần một nghìn trang tiểu thuyết chi chít cỡ chữ 6 ấy như sau: “(Và) các bà từ tâm đã tóm được tôi”. Các bà từ tâm là cách gọi theo uyển ngữ (và cũng vì sợ) các nhân vật érinyes trong thần thoại Hy Lạp, là những nữ thần báo oán của trời để trừng trị các tội lỗi của loài người… Các nữ thần này lại có thể chuyển sang tên gọi là Euménides, tức các Bà Từ tâm, là thể hiện sự thông cảm, khoan thứ, thăng hoa… Những hình ảnh trái ngược nhau và có tương quan với nhau trong cùng một hình tượng này thể hiện hai khuynh hướng trong một linh hồn mắc tội, đang do dự giữa sự sám hối và sự hối tiếc.
Nhân vật chính: Max Aue, nguyên sĩ quan SD, tức cơ quan an ninh trung ương thuộc tổ chức SS khét tiếng của quân đội phát xít Đức, trong thế chiến thứ hai từng theo các binh đoàn Đức xâm lược vào chiếm đóng Ukraine, vùng Kapkaz của Liên Xô, cả Ba Lan và Hungari, một thời gian ngắn ở Pháp, do tình cờ mà rơi vào vòng vây Stalingrad, bị thương nặng vào đầu do đó được di tản ra khỏi vòng vây này ngay trước khi Von Paulus đầu hàng. Y không trực tiếp chiến đấu, khi quân Đức đang đà chiến thắng ồ ạt, thì đóng vai một kiểu “thanh tra” chuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức các cuộc tàn sát diệt chủng đối với tất cả những gì là Do Thái, Di-gan, Bolchévik, cả Ba Lan và Hungari, bảo đảm an toàn cho các binh đoàn Đức đang tiến công; khi quân Đức bắt đầu thất trận thì lại chuyên làm việc với các trại tập trung, cố moi lấy ở đấy được nhiều nhân lực nhất cho các nhà máy quốc phòng Đức đang phải chạy hết công suất, còn bất cứ người nào đau yếu, người già, đàn bà, trẻ con, cả những người đã được chọn ra làm lao công rồi kiệt sức ngã gục, thì tống tất vào lò thiêu người. Y làm công việc này cho đến những ngày cuối cùng của chiến tranh, lạnh lùng, sáng suốt, một cách có hệ thống, hết sức khoa học, chặt chẽ, có phương pháp, thông minh, tận tuỵ, và cả liêm khiết nữa: y đấu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng, quan liêu, cả ở những nhân vật cao nhất trong bộ máy phát xít, dành lấy từng chút thực phẩm, quần áo ấm cho những người tù để họ còn giữ được chút sức lực cuối cùng nhằm tận dụng họ cho các nhà máy sản xuất vũ khí, … rồi hạ gục, tiêu diệt, khi đã dùng xong…
Sáu mươi năm sau chiến tranh, Max sống an toàn, yên bình dưới vỏ bọc ngụy trang chủ một nhà máy làm đăng-ten ở miền Bắc nước Pháp. Rồi đến một hôm y bỗng muốn kể lại tất cả cuộc đời mình, cuộc chiến tranh của mình. Sám hối chăng? Không hề. Trong chiến tranh Max mắc một căn bệnh khó hiểu, thường bị nôn mửa liên tục, có lúc đột ngột ngắt đi, rồi lại trở lại. Lần này cũng vậy, y nôn mửa toàn bộ quá khứ kinh hoàng của mình ra, tuôn hết gan ruột, như một phản ứng sinh lý đột ngột thức dậy. Trong công việc của mình, Max tiếp xúc với các nhân vật cao cấp của bộ máy phát xít, từ Speer, Eichmann… cho đến Goebbels, Himmler… và cả Hitler, tất cả đều được nhìn nhận dưới một bộ mặt “rất người”. Eichmann chẳng hạn, tên đồ tể của các trại tập trung nổi tiếng ấy, đồng thời là một người yêu và sành âm nhạc, chơi piano tài hoa, một người chồng và một người cha hiền dịu… Cả một xã hội phát xít được bày ra đấy, với triết lý và bộ máy diệt chủng khủng khiếp của nó, nhưng lại bình dị, bình thường, gần gũi, và “người”, đến kinh hoàng!
Còn bản thân Max, một nhân vật vừa phức tạp vừa đơn giản, đều đến cực đoan. Một trí thức Đức khá điển hình, tiến sĩ luật, trước chiến tranh từng sống ở Pháp, say mê Stendhal và Blanchot, Maupassant và Lermontov, từng đi lại thân mật với Brasillach và Rebatet giữa Paris hoa lệ và trí thức, thông thạo Kant, Hégel, Tertullien, Spinoza, Heidegger, hiểu biết sâu sắc Beethoven, Mozart, Bach, Rameau, Couperen, Monteverdi, đàm đạo bằng tiếng Hy Lạp với các nạn nhân của mình trước khi hạ sát họ… Y có một người bố là sĩ quan trong cuộc chiến tranh trước của Đức, mất tích một cách bí hiểm, một người mẹ và một ông bố dượng mà y vô cùng căm ghét và dùng búa bổ chết cả hai trong một chuyến được nghỉ phép đến thăm họ sau khi bị thương, một người em gái sinh đôi mà y yêu bằng một tình yêu loạn luân ám ảnh suốt đời đến mức khiến y lạnh băng trước tất cả những người đàn bà khác, y mắc chứng đồng tính, một thứ tội có thể bị kết án tử hình theo luật phát xít Đức… Max là tác giả hoàn toàn có ý thức và tự nguyện của chủ trương diệt chủng, đối với y “giải pháp tối hậu” tức chủ trương tận diệt tất cả những nòi giống không trong sạch để thanh lọc nhân loại “không phải là một cơn bốc đồng mà là kết quả của một suy luận sâu sắc về dân tộc học và ngôn ngữ học”, một tư duy bác học. “Max là hiện thân có tầm cỡ Faust của cái ác: cùng lúc kinh tởm và lôi cuốn. Và vô cùng gần gũi.”2
Nghĩa là câu chuyện kinh hoàng của con quái vật phát xít đó, Jonathan Littell muốn nói với chúng ta, không phải là câu chuyện của loài thú. Đó là một câu chuyện của con người. Câu chuyện về các lý thuyết của con người có thể đưa đến đâu. Chính cái thế giới này, cái nhân loại này đã đẻ ra thứ người dã thú đó.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng câu: “Hỡi những huynh đệ con người, hãy để tôi kể cho các bạn nghe mọi việc đã diễn ra như thế nào…”.
Đã diễn ra, và vẫn hoàn toàn còn có thể diễn ra. Không thể không nhớ đến lời nói cuối cùng của Fucik: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”
—————
1 Les bienveillantes (Các bà từ tâm)- Tiểu thuyết của Jonathan Littell – NXB Gallimard – 2006
2 Le Figaro

Jonathan Littell sinh năm 1967 tại New York, học tú tài ở Pháp, tốt nghiệp đại học Yale (Hoa Kỳ). Là con trai của Robert Littell, phóng viên nổi tiếng của tờ Newsweek, tác giả nhiều tiểu thuyết trinh thám best-seller về thời kỳ chiến tranh lạnh, chuyên gia về Trung Cận Đông. Ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp, Jonathan còn giỏi tiếng Nga và tiếng Croatia-Serbia. Đã làm việc hơn 10 năm trong tổ chức nhân đạo Hành động chống đói nghèo ở Bosnia, Tchesnia, Afganistan, Trung Quốc, Congo, Guinée, Rwanda, Tadjikistan…, trực tiếp đến làm việc ở vùng Balkan và Sarajevo để “nhìn thấy tận mắt thế nào là chiến tranh”. Để chuẩn bị viết Les bienveillantes, Jonathan đã đọc hơn 200 công trình nghiên cứu về nước Đức phát xít, đặc biệt về mặt trận phía Đông, các hồi ký về trận Stalingrad và các mặt trận khác, đến nghiên cứu tại chỗ ở Kharkov, Kiev, Piatigorsk, Stalingrad… Và cuốn tiểu thuyết đồ sộ được viết liền một mạch trong 4 tháng.
Nhiều tờ báo coi tác phẩm của ông là một “Chiến tranh và hoà bình” mới, gợi nhớ đến Lev Tolstoi. Ông bảo: “Có lẽ vì độ dài của cuốn tiểu thuyết”. Có người lại nhắc đến Grossman và Cholokov, ông cười: “Họ nói bất cứ điều gì!”

Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)