Mười tin khoa học thế giới nổi bật nhất năm 2010

Từ tế bào gốc tới chủng người Neanderthals và Mặt trăng… là danh sách 10 tin khoa học nổi bật nhất năm 2010, theo lựa chọn của ban biên tập tạp chí COSMOS.

10. Tạo ra tế bào thần kinh từ tế bào da
Các nhà khoa học tìm ra cách chuyển hóa tế bào da của người trưởng thành trực tiếp thành các tế bào thần kinh. Điều này nghĩa là có thể tạo ra được thuốc làm tái sinh mà không cần đến các tế bào gốc.

9. Tạp chí Lancet gỡ bỏ bài báo công bố mối liên quan giữa bệnh tự kỷ và vaccine MMR
Tỉ lệ trẻ em được chủng vaccine đang suy giảm trên Thế giới. Đây là điều đáng lo ngại, và càng tệ hơn khi các nhóm chống việc sử dụng vaccine đang dựa trên căn cứ là các bài báo khoa học kém chất lượng. Tờ Lancet lẽ ra phải gỡ bỏ từ sớm hơn bài báo viết về vaccine MMR và bệnh tự kỷ, nhưng thà muộn còn hơn không.

8. Hạt proton hóa ra nhỏ hơn người ta tưởng
Trong tháng 7, các nhà khoa học khiến người ta phải thay đổi hình dung về thế giới các hạt nhỏ hơn nguyên tử, với công bố rằng hạt proton, vật liệu cơ bản tạo nên toàn thể vũ trụ, nhỏ hơn dự đoán trước đây. Bán kính mới trong lý thuyết của proton giảm 4% so với trong lý thuyết trước đây.

7. Phản ứng nhiệt hạch có thể khả thi?
Năng lượng nhiệt hạch từ lâu được hình dung sẽ là nguồn năng lượng vô tận và không tạo khí thải gốc carbon. Người ta dự tính sẽ phát triển thành công nguồn năng lượng này vào khoảng năm 2035, với sự ra đời của những lò phản ứng nhiệt hạch khổng lồ. Tuy nhiên thách thức lớn nhất là làm sao làm chủ được phản ứng này, vốn sinh ra nhiệt lượng và áp suất khổng lồ. Tuy nhiên, trong tháng 1 vừa rồi, một nhóm nghiên cứu ở trung tâm U.S. National Ignition Facility tại California đã chứng minh rằng điều này có thể làm được.

6. Nasa tìm thấy sự sống ngoài Trái đất!
Nhưng hóa ra là không phải! Trong tóm tắt thông cáo báo chí đầu tháng 12 vừa rồi, NASA thổi bùng lên cơn sốt truyền thông khi tuyên bố họ phát kiến ra một điều “có ảnh hưởng lớn tới việc tìm kiếm căn cứ cho sự sống ngoài Trái đất”. Người ta phỏng đoán rằng có thể NASA tìm thấy bằng chứng vi khuẩn tồn tại trên Sao Hỏa, hiện tượng quang hợp trên Titan (một vệ tinh của Sao Thổ), hay thậm chí vi khuẩn trên một thiên thạch nào đó. Nhưng tất cả đều không đúng. NASA chỉ tìm ra một loại vi khuẩn có thể ăn asen, và thậm chí hấp thụ cả asen vào trong DNA của mình.

5. Trên Mặt Trăng có nước
Trong tháng 9 năm 2009, các nhà khoa học đã đảo ngược quan điểm từ lâu cho rằng bề mặt Mặt Trăng hoàn toàn khô. Họ đã nhận thấy một lượng nước lớn xen kẽ bên trong các tinh thể bề mặt Mặt Trăng. Vào tháng 3 năm 2010, các nhà nghiên cứu tìm thấy băng ở Cực Bắc Mặt Trăng, nhưng họ không chắc là có bao nhiêu khối lượng. Các con số dự tính sẽ tiếp tục được đưa ra cho tới khi các nhà khoa học xác định được độ dày lớp vỉa băng – và có lẽ con số là vào khoảng vài tỷ tấn nước nằm trong các vỉa băng và trong các tinh thể cấu tạo thành lớp vỏ Mặt Trăng. Phát hiện này mở ra khả năng thuộc địa hóa Mặt Trăng, hoặc tổ chức các chuyến du hành tới nơi này.

4. Điều tra về sự sống dưới các đại dương
Một dự án kéo dài 10 năm về ­ sự sống dưới các đại dương liên quan tới 2700 nhà khoa học, 670 tổ chức, hơn 540 chuyến thám hiểm, kéo dài tất cả khoảng 9000 ngày trên biển. Đã có hơn 30 triệu lần quan sát tiến hành với khoảng 120.000 loài.
 
Trong tháng 10 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả, trong đó cho biết 90% sự sống dưới biển thuộc về các vi khuẩn – và rằng khoảng 40% sinh vật phù du, nằm ở đáy chuỗi thứ tự thức ăn, đã biến mất trong vòng 30 năm qua.

3. Từng có hiện tượng giao phối giữa người Neanderthal với người hiện đại
Sử dụng một lượng nhỏ bột xương của 3 cá thể Neanderthal từng sống cách đây 40.000 năm tìm thấy trong một hang động của Croatia, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được 60% cấu trúc gene của người Neanderthal.

Cấu trúc gene này cho thấy sau khi người hiện đại di cư ra ngoài Châu Phi vào 100.000 – 50.000 năm trước, một số cá thể đã giao phối với người Neanderthals – một chủng người thấp nhưng to lớn đã bị tuyệt chủng từ khoảng 30.000 năm nay. 

2. Tàu vũ trụ Hayabusa thành công trong việc trích mẫu thiên thạch
Có kích cỡ bằng một chiếc xe hơi, tàu vũ trụ Hayabusa được Nhật Bản phóng vào năm 2003 với đích ngắm là thiên thạch Itokawa. Đây là một chuyến du hành kỳ vĩ, được đánh dấu bởi vài sự cố. Có lúc con tàu đã mất liên lạc với Trái đất trong 7 tuần và vì sự cố này mà hành trình của nó bị dài thêm mất 3 năm.

Tới năm 2005, con tàu hạ cánh chính xác xuống được mục tiêu, một thiên thạch có hình củ khoai tây tự xoay quanh chính nó. Tuy nhiên, nỗ lực phóng mũi khoan nhằm tạo ra khói bụi bị thất bại, khiến người ta nghi ngờ rằng có thể con tàu đã chẳng thu lượm được vật chất mẫu như mong muốn. 

Tàu Hayabusa về tới Trái đất trong năm nay, hạ cánh hoàn hảo xuống nước Úc. Tới tháng 11, các nhà khoa học tuyên bố đã thu được 1.500 hạt vật chất từ thiên thể.

1. Sự sống nhân tạo
Vào tháng 5, Craig Venter công bố trên tờ Science rằng đã tạo ra được sự sống nhân tạo. Ông làm việc này chỉ trên 1 tế bào – tổ chức sống nhỏ nhất được biết đến – với việc tiêm vào nó một chuỗi gene nhân tạo. Vi khuẩn tạo ra các protein từ mẫu gene này, và chúng sinh trưởng bình thường như mọi tế bào vi khuẩn khác. 

Điều này giúp mở ra một loại quy trình công nghiệp hoàn toàn mới – sẽ đem lại những phương pháp chế tạo rẻ hơn, hiệu quả hơn cho nhiều sản phẩm, từ các vaccine, dược phẩm, tới nhiên liệu sinh học. Trong thực tế, vào tháng 7 vừa qua Venter đã liên doanh với Exxon Mobil, mở ra một cơ sở thí nghiệm nuôi trồng tảo để chế xuất nhiên liệu sinh học.

(Cosmosmagazine)

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)