Nafosted đóng góp gần 500 công bố quốc tế ISI trong lĩnh vực KHTN

Ngày 14/4, tại Hà Nội, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted) đã tổ chức cuộc họp thường trực các hội đồng khoa học trong khoa học tự nhiên nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên giai đoạn 2009 - 2011.

Theo số liệu được công bố tại cuộc họp, sau 3 năm hoạt động, Nafosted đã tài trợ cho 750 đề tài/nhiệm vụ khoa học với khoảng 3.000 nhà khoa học. Quỹ cũng tài trợ 27 học bổng sau tiến sĩ và 29 đề tài hỗ trợ doanh nghiệp. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các đề tài được Nafosted tài trợ đã thực hiện 464 công bố quốc tế ISI và chiếm 20% tổng số công bố ISI của Việt Nam năm 2011.

Nafosted đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 90% số lượng các đề tài khoa học tự nhiên có công bố ISI, số lượng các nhà nghiên cứu trẻ (dưới 35 tuổi) tăng 15% mỗi năm và hỗ trợ hình thành 5 nhóm nghiên cứu mạnh trong khoa học cơ bản ngang tầm khu vực.

Bên lề cuộc họp, Tia Sáng đã trao đổi với PGS. TS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học – Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) về công việc nghiệm thu đề tài của Nafosted.

Theo ông cách xét duyệt và nghiệm thu đề tài của Nafosted hiện nay có nhược điểm gì cần thiết phải điều chỉnh?

Cách xét duyệt của các hội đồng khoa học hiện nay nói chung là tốt. Các hội đồng ngày xưa đã tồn tại, nhưng ngày xưa có vấn đề là hội đồng quyền cao lắm, thích cho ai thế nào và cho mình bao nhiêu là tùy, không có một tiêu chuẩn gì khác.

Hiện nay chúng ta có tiêu chuẩn quốc tế về công bố ISI. Tiêu chuẩn này còn đứng cao hơn hội đồng và hội đồng cũng phải tuân theo cái đó. Có ISI thì mới vào nổi hội đồng, thậm chí thành viên hội đồng có thể cũng không được xét duyệt, nghiệm thu đề tài nếu đánh giá theo ISI không phù hợp.

Tuy nhiên chỉ công bố ISI thôi thì chưa đủ. ISI cũng chất lượng rất khác nhau, không dựa trên số lượng được. Hội đồng phải đủ năng lực thẩm định để bổ sung những tiêu chuẩn ngoài ISI.

Hơn nữa, tác giả chính và tác giả phụ cũng rất khác nhau. Có cả hiện tượng tìm cách mua chuộc những người nước ngoài viết bài, lấy tiền quỹ trả người đó, hoặc dùng chức vụ ép người ta cho tên mình vào. Tôi còn biết trường hợp có bài báo đã được nhận đăng thì bị một nhân vật khác ép ghi tên mình vào để được có tên trong bài báo ấy. Nhưng nếu tinh ý sẽ thấy lĩnh vực nghiên cứu của tác giả được thêm vào đó không phải là lĩnh vực của đề tài.

Vậy có nhược điểm gì từ bản thân các hội đồng khoa học không, thưa ông?

Sắp tới hội đồng cũ hết nhiệm kỳ, lập hội đồng mới thì phải làm sao chọn được những người xứng đáng nhất. Không phải dựa trên chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, Viện sĩ hay có chức vụ mà phải chọn những người đang làm việc thực sự. Bởi vì có thể anh giỏi trong quá khứ nhưng hiện nay anh không làm việc thực sự thì năng lực của anh rất khó được đảm bảo. Hơn nữa, một ông Giáo sư có trong hội đồng cũng làm người khác ngại, đặc biệt là người trẻ, vì ông ấy còn nằm trong Hội đồng Giáo sư.

Trong số các hội đồng, có những hội đồng rất tốt nhưng cũng có những hội đồng có những nhân vật công bố theo kiểu luồn lách, như ISI hội nghị chẳng hạn. Những người có kiểu công bố như thế thì không nên có mặt trong hội đồng.

Cái gọi là công tâm có thể rất khó nói, nhưng thành tích khoa học rất dễ đánh giá. Có thành tích khoa học thì họ dễ có điều kiện công tâm hơn. Còn thành tích mập mờ thì độ công tâm cũng mập mờ theo. Nên ta phải dựa vào khách quan, vẫn phải đặt tạp chí quốc tế ở vị trí tối tượng.


Tác giả