Nâng cao hiểu biết của công chúng về điện hạt nhân

Hội thảo cung cấp thông tin về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới và ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an toàn trong phát điện hạt nhân, qua đó đem lại những cái nhìn chuẩn xác hơn của về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai dự án điện hạt nhân đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Hội thảo “Phát triển điện hạt nhân và trách nhiệm an toàn của các bên liên quan” diễn ra vào ngày 3/123/2015 tại TP.HCM do Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp tổ chức cùng trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM).

Tại hội thảo, các đại biểu và sinh viên trường HUTECH đã được lắng nghe các báo cáo tổng quan về thực trạng phát triển điện hạt nhân Việt Nam: “Tình hình và nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia” (TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN), “Pháp quy hạt nhân – kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” (ông Lê Quang Hiệp – Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN).

Hai báo cáo này đã cung cấp cho người nghe những thông tin căn bản nhất về chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng hợp tác quốc tế để cử cán bộ Việt Nam ra nước ngoài học tập, nâng cao năng lực cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân… Với sự hỗ trợ của Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA), Việt Nam đang từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân theo những khuyến nghị của IAEA dựa theo đánh giá về cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp (INIR). Nhằm đảm bảo cho việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam được an toàn, việc xây dựng hệ thống luật, kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình vận hành của các nhà máy hạt nhân… cần được coi trọng đúng mức. Hiện Việt Nam đang ở trong giai đoạn học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển về điện hạt nhân để hoàn thiện khung pháp lý và quy định về lĩnh vực an toàn hạt nhân.

Sinh viên trường HUTECH được cung cấp những thông tin cơ bản về chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Nguồn: Đại học HUTECH

Cũng nhằm cung cấp thêm những thông tin thiết thực về công nghệ sẽ được sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, PGS.TS Pavel A.Belousov (Viện Kỹ thuật điện hạt nhân Obninsk, trường ĐH Nghiên cứu hạt nhân quốc gia MEPhI, Nga) đã giới thiệu về công nghệ lò phản ứng VVER 1200. Theo giới thiệu của ông, lò phản ứng VVER có thời gian hoạt động trong vòng 60 năm, công suất 1.200 MW, có khả năng chịu được những tác động lớn của thiên tai như động đất, sóng thần. Với sự ưu việt này, công nghệ VVER đã được Nga chuyển giao cho 11 quốc gia trên thế giới, trong đó có Belarus, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhỹ Kỳ, Việt Nam… Qua quãng thời gian vận hành 57 lò phản ứng tại 19 nhà máy điện hạt nhân, công nghệ VVER đã chứng tỏ được sự ổn định, không để xảy ra sự cố…

Qua cuộc hội thảo, sinh viên HUTECH, đặc biệt là sinh viên thuộc các khối ngành Cơ – Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin…, đã được cung cấp những thông tin cơ bản về chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam đồng thời có thêm nhiều gợi mở về nghề nghiệp trong tương lai.

 

Tác giả