Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử và công nghệ hạt nhân

Trong buổi làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) vào sáng ngày 22/10/2021, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cho biết, Nga sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt là VINATOM trong việc phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, trong đó có công nghệ hạt nhân.

TS. Trần Chí Thành và Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Có một đặc điểm hết sức quan trọng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và công nghệ hạt nhân nói riêng là việc hợp tác, hỗ trợ phải dựa trên nền tảng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau một cách thực sự. Điều cơ bản đó đã có sẵn trong quá trình hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Nga, khởi đầu từ việc các cán bộ Việt Nam được cử tới Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna học tập và nghiên cứu cũng như việc Nga giúp đỡ Việt Nam triển khai công trình Khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào năm 1979-1984. Nhắc lại những điều đó tại buổi làm việc với VINATOM, ông Gennady Stepanovich Bezdetko đã nhấn mạnh đến việc hợp tác giữa hai nước về năng lượng nguyên tử tiếp tục phát triển từng bước, dù kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam đã tạm dừng từ năm 2016 vì lí do kinh tế.

Trên cơ sở quan sát những chuyển động trong ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam ở nhiều lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân như quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ lợi ích của y tế, nông nghiệp và công nghiệp… nhiều năm qua, ông Gennady Stepanovich Bezdetko cho rằng tương lai của ngành sẽ được mở rộng với nhiều đóng góp hơn nữa cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Góp phần quan trọng vào quá trình đó, “dự án hợp tác trọng điểm của chúng ta trong lĩnh vực hạt nhân là xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia (CEST), được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ ký vào ngày 21/11/2011. Chúng tôi đã thấy những nỗ lực của Viện trong hướng đi này, qua đó thực hiện những thay đổi phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam… Dự án vẫn luôn luôn được Liên bang Nga hỗ trợ ở mức cao nhất”, đại sứ cho biết và cam kết: trong quá trình thúc đẩy dự án CNST, Đại sứ quán Liên bang Nga và Tổng công ty Nhà nước Rosatom sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết.

“Nếu lãnh đạo Việt Nam quyết định quay trở lại chương trình hạt nhân quốc gia, thì dự án CNST sẽ là điểm khởi đầu trong quá trình phát triển đó”, ông nói và đề cập đến xu thế hiện nay trên thế giới: “Trước mắt chúng ta, một sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận với công nghệ hạt nhân đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Sự gia tăng giá hydro carbon và những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… tăng cường hoặc nối lại các chương trình hạt nhân của họ”.

Những hỗ trợ của Nga là điều VINATOM đang rất mong đợi, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM nói. Bởi với VINATOM và ngành hạt nhân, dự án CNST không chỉ là cơ hội gìn giữ năng lực đã tích lũy nhiều năm mà còn là cơ hội có thêm nhiều đóng góp cho quá trình phát triển của Việt Nam trong tương lai về nhiều mặt như nâng cao trình độ KH&CN, mở rộng các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong đời sống kinh tế xã hội. Dù vẫn còn trong giai đoạn bàn thảo nhưng dự án Trung tâm đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu hạt nhân Nga, đặc biệt là Viện Liên hợp hạt nhân Dubna. Trong nhiều cuộc trao đổi, Dubna đã bày tỏ mong muốn có được một kênh neutron ở lò phản ứng mới để có thể triển khai nghiên cứu tại Việt Nam và sẵn sàng đầu tư trang thiết bị để khai thác hiệu quả dòng neutron khi lò phản ứng đi vào hoạt động và coi đó như một chi nhánh của Dubna tại Đông Nam Á. Triển vọng khai thác này sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thu hút nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, ở trong và ngoài khu vực tới làm việc và hợp tác nghiên cứu tại đây. 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)