Nghiên cứu vòng cây cho thấy cháy rừng ở Việt Nam ngày càng gia tăng 

Dữ liệu cho thấy các hoạt động của con người là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chứ không phải do biến đổi khí hậu.

Cháy rừng ở Vườn quốc gia Núi Bà. Nguồn: Evgeniya Pavlova/Getty

Lần đầu tiên, nghiên cứu với dữ liệu về vòng cây, trong hàng thế kỷ về cho thấy thông tin về các vụ cháy rừng ở Đông Nam Á. Kết quả cho thấy, có sự gia tăng mạnh về tần suất cháy rừng trong khu vực này trong hơn 100 năm qua, nhưng biến đổi khí hậu không phải là thủ phạm chính. Nguyên nhân đến từ yếu tố con người: việc đốt rừng để làm nông nghiệp là nguyên nhân khiến số vụ cháy rừng ngày càng tăng, theo nghiên cứu mới đây của Thiet Nguyen được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.

“Lửa có tác động lớn đến cấu trúc rừng,” Thiet Nguyen, nhà sinh thái rừng và nghiên cứu sinh tại Đại học Melbourne ở Úc, cho biết. “Các khu rừng đó có mức độ đa dạng sinh học rất cao”.

Nhiều người nghĩ Việt Nam là thủ phủ của các cánh rừng nhiệt đới rậm rạp, nhưng ở Tây Nguyên, những cánh rừng mù sương là nơi sinh trưởng của khoảng 100.000 ha cây lá kim xen lẫn cây lá rộng. Trong khi cây nhiệt đới không có xu hướng tạo vòng sinh trưởng hàng năm vì chúng phát triển ổn định quanh năm, thì cây lá kim có chu kỳ sinh trưởng hằng năm. Thiet Nguyen và các đồng nghiệp đã lấy mặt cắt ngang từ những cây mới bị đổ của hai loài Pinus kesiya và Keteleeria evelyniana, tại 12 địa điểm trong Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà và đếm các vòng cây có niên đại gần 400 năm.

Khi cây tiếp xúc với ngọn lửa nhưng không bị chết thì phần cây cháy để lại vết sẹo trên các vòng cây. Nhóm nghiên cứu xác định vết sẹo lửa sớm nhất là vào năm 1772. Từ đó đến năm 1905, chỉ có 17% số năm có vết sẹo lửa rõ ràng. Thiet Nguyen cũng cho biết thêm thông tin rằng, càng đi ngược thời gian tìm các mẫu có niên đại sớm hơn thì số lượng mẫu cây càng ít, làm giảm độ tin cậy. Nhưng kể từ mốc sau năm 1905, họ có những vòng gỗ tốt, rõ ràng để nghiên cứu đánh giá. Từ đó đến năm 1963, 71% số năm có vết sẹo do hỏa hoạn; tuy nhiên, các đám cháy thường chỉ ảnh hưởng đến một số ít địa điểm. Nhưng từ năm 1964 đến nay, hầu như năm nào cũng xảy ra hỏa hoạn, thường ảnh hưởng đến nhiều địa điểm. 

Trước khi nghiên cứu này được thực hiện, “chúng tôi không biết chế độ lửa đã thay đổi như thế nào,” Thiet Nguyen nói. Sử dụng phân tích thống kê, các tác giả đã tìm kiếm mối quan hệ giữa hỏa hoạn, khí hậu và dân số. Họ phát hiện ra rằng trong lịch sử, các kiểu cháy có liên quan đến khí hậu; dữ liệu từ nhiệt độ bề mặt biển Thái Bình Dương cho thấy các kiểu thời tiết như El Niño và La Niña có thể đã ảnh hưởng đến lượng nguyên liệu thực vật dễ cháy có sẵn và mức độ khô và dễ cháy của nó chẳng hạn.

Nhưng sau năm 1963, ngày càng có nhiều người đến sinh sống tại các cánh rừng, chẳng hạn như có thể nhìn vào dữ liệu dân số của thành phố Đà Lạt. Thiet Nguyen nói, việc đốt để dọn đất canh tác nông nghiệp, và lửa có thể lan đến tận khu vực rừng quốc gia. Từ dữ liệu đo đạc, các tác giả phát hiện, từ năm 1964, hoạt động do con người gây ra là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các đám cháy, lấn át hẳn nguyên nhân do khí hậu.

Brendan Buckley, nhà nghiên cứu dendrochronologist tại Đại học Columbia ở New York, người từng là cố vấn chương trình thạc sĩ cho Nguyễn nhưng không tham gia nghiên cứu này, cho biết tần suất các đám cháy ngày càng tăng, cùng với tình trạng hỏa hoạn tăng cao do biến đổi khí hậu gây ra, sẽ là một vấn đề trong tương lai. 

Buckley cho biết, hiểu được các vụ cháy trong lịch sử và hiện nay là điều rất quan trọng vì nó cung cấp cho các nhà nghiên cứu cơ sở để làm việc, giúp các nhà quản lý rừng chuẩn bị cho biến đổi khí hậu. Ông nói, mặc dù lửa có thể mang lại lợi ích cho rừng lá kim, nhưng rừng nhiệt đới là một hệ sinh thái hoàn toàn khác và có thể bị lửa thiêu rụi.

Thiet Nguyen nói rằng các loài được nghiên cứu, quan sát trong nghiên cứu này phổ biến ở các khu vực khác của Đông Nam Á, chẳng hạn như Thái Lan và Philippines, có nghĩa là phương pháp tương tự có thể được sử dụng để khám phá lịch sử hỏa hoạn và biến đổi khí hậu ở các quốc gia khác.□

Bảo Như lược dịch 

Nguồn: Nature doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-02235-y

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)