Nguy cơ nhiễm khuẩn Coliform trong nước ngầm tại ĐBSCL

Trong những năm gần đây, hệ thống sông rạch ở khu vực ĐBSCL đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải nông nghiệp, hoạt động nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt và công nghiệp. Điều này đã buộc người dân trong khu vực phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nước ngầm cho mục đích tưới tiêu và sinh hoạt.

Nguồn ảnh: tainguyenmoitruong.vn

Nhiều nghiên cứu trước đây đã ghi nhận các chất gây ô nhiễm nước ngầm khác nhau trong khu vực, như ô nhiễm asen ở tỉnh An Giang, ô nhiễm amoni ở tỉnh Bạc Liêu, và ô nhiễm nitrat và clorua ở tỉnh Sóc Trăng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Giao và các đồng nghiệp tại khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, đã phối hợp với ông Pumis Thuptimdang (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Môi trường, Đại học Chiang Mai, Thái Lan) đã khảo sát 8 thông số chất lượng nước gồm pH, độ cứng tổng, nitrat (NO3 −), sắt (Fe), chì (Pb), thủy ngân (Hg), asen (As) và coliforms) thu được từ 64 giếng quan trắc tại tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ. Sau đó, họ sẽ tính toán dữ liệu để đánh giá chất lượng nước ngầm phục vụ cho mục đích ăn uống ở ĐBSCL. 

Cần Thơ là thành phố lớn nhất ở ĐBSCL và nổi tiếng với các hoạt động thương mại, văn hóa và công nghiệp hóa. Tỉnh Đồng Tháp lại là nơi quy tụ các hoạt động công nghiệp quy mô nhỏ như sản xuất thủ công. Những hoạt động này dẫn đến ô nhiễm kim loại nặng trong nước mặt và đất, từ đó ngấm vào nước ngầm. Bên cạnh đó, tại An Giang và Đồng Tháp, đi kèm với việc mở rộng quy mô sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, là tình trạng sử dụng phân bón quá mức, ô nhiễm từ nước thải công nghiệp và sinh hoạt, nước thải nuôi trồng thủy sản v.v.

Tiến hành phân tích bằng phương pháp phân tích cụm (CA), phân tích thành phần chính (PCA) và chỉ số chất lượng nước theo trọng lượng tích hợp (IWQI), nhóm nghiên cứu nhận thấy các thông số như pH, NO3− , Hg, As, Pb đều đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam. Trong khi đó, nước ngầm tại một số vùng có độ cứng quá mức và nhiễm Fe. 

Đáng chú ý, hơn 80% số mẫu nước được phát hiện nhiễm coliform nghiêm trọng. Coliform có thể gây ra các rối loạn tạo nên chứng tiêu chảy gây mất nước, rối loạn máu, suy thận hay thậm chí là tử vong. Sự nguy hại của loại vi khuẩn này càng nghiêm trọng hơn ở người già và trẻ em do thuộc nhóm có sức đề kháng yếu. 

Dù vậy, các nhà khoa học lưu ý rằng nhìn chung hơn 50% các mẫu thu được vẫn có thể sử dụng cho mục đích ăn uống. Cụ thể, họ đánh giá 53,1% mẫu nước ngầm có chất lượng xuất sắc, 25% chất lượng tốt, 9,4% chất lượng kém, 4,7% rất kém và 7,8% không thể uống được. Tuy nhiên, việc không thể uống được có liên quan đến nồng độ ô nhiễm coliform. Nồng độ cao của vi khuẩn coliform tại các địa điểm lấy mẫu cho thấy khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người với các bệnh dịch từ nước.

Hầu hết các mẫu phân loại không phù hợp để uống đều nằm gần các con sông lớn. Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng chất lượng nước ngầm ở những khu vực này phụ thuộc vào chất lượng nước mặt vì chất gây ô nhiễm có thể xâm nhập trực tiếp vào các tầng ngậm nước. Do đó, dòng chảy từ hoạt động nông nghiệp và xả nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản chưa được xử lý hoặc xử lý không đúng cách vào nước mặt có thể gây ô nhiễm nước ngầm trong khu vực. Rất có thể mật độ coliform cao có liên quan đến các chất gây ô nhiễm rò rỉ từ các nguồn phân như hố xí, đường ống nước thải hoặc chất thải chăn nuôi từ các trang trại trong khu vực nghiên cứu

Bên cạnh đó, nước mặt và nước ngầm ở tỉnh An Giang bị ô nhiễm nặng coliform còn có thể do sự xuất hiện của hố chôn lấp lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi vào năm 2019. Nước rò rỉ có chứa mầm bệnh từ các địa điểm này có thể ngấm vào các vùng nước xung quanh.

Các nhà khoa học đã công bố những kết quả trong bài báo “Groundwater quality assessment for drinking purposes: a case study in the Mekong Delta”, Vietnam được đăng tải trên Scientific Report. Nghiên cứu đã đánh giá một phần hiện trạng chất lượng nước ngầm khu vực ĐBSCL, từ đó hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách xây dựng chiến lược xử lý nước và quản lý tài nguyên nước trong tương lai. 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)