Nguy cơ ô nhiễm vi nhựa trong nước ở một số hồ đô thị miền Trung 

Một khảo sát công bố trên tạp chí Case Studies in Chemical and Environmental Engineering bước đầu cho thấy sự phân bố rộng rãi của hạt vi nhựa trong các hồ ở Đà Nẵng.

Hồ Bàu Trảng. Nguồn: dangcongsan.vn

Công bố “Microplastics in the surface water of urban lakes in central Vietnam: Pollution level, characteristics, and ecological risk assessment” [Hạt vi nhựa trong nước mặt các hồ đô thị miền Trung Việt Nam: Mức độ ô nhiễm, đặc điểm và đánh giá rủi ro sinh thái] đã khảo sát. 

Hạt vi nhựa được phát hiện trong nước mặt của tất cả các hồ khảo sát với nồng độ trung bình lần lượt là 2145,2 ± 322,6 và 643,8 ± 87,5 hạt/ m-3 tương ứng trong mùa khô và mùa mưa. Nồng độ vi nhựa trong các hồ thay đổi đáng kể giữa các hồ và giữa các lần khảo sát trong thời gian mùa khô và trong mùa mưa. Trong mùa khô, mật độ vi nhựa nhiều hơn, dao động giữa các hồ từ 293,3 ± 23,1 hạt vi nhựa/m−3 đến 6510,0 ± 380,4 hạt vi nhựa/m−3. Còn vào mùa mưa, nước nhiều giúp pha loãng vi nhựa nên nồng độ vi nhựa thấp hơn, dao động tối thiểu 366,7 ± 23,1 hạt/ m−3 đến mức tối đa là 1143,3 ± 110,2 hạt/ m−3

Mặc dù có sự khác biệt về nồng độ nhưng hạt vi nhựa ở các hồ được khảo sát có đặc điểm tương tự nhau (hình dạng, màu sắc, kích thước và tính chất hóa học), cho thấy sự tương đồng về nguồn phát thải. Xu thế có một số dạng sợi vi nhựa chiếm ưu thế tại tất cả các hồ được khảo sát, trong đó chủ yếu là nhựa polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET) và chiều dài <2000μm. Nghiên cứu suy luận bước đầu về nguồn gốc của các hạt vi nhựa chiếm đa số ở các hồ này: Hạt vi nhựa dạng sợi của nhựa PP và PET chiếm ưu thế với kích thước nhỏ nên có thể suy ra nguồn phát thải hạt vi nhựa dạng này ở các hồ chủ yếu từ nguồn giặt giũ sinh hoạt. Nhựa PP và PET cũng được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, trong nhiều ngành công nghiệp gia dụng, từ bao bì đóng gói, chai đựng cho tới dây buộc. Ngoài ra, có một thực tế khác là các hồ lâu ngày không được nạo vét khiến cho rác thải nhựa tích tụ lâu ngày trong hồ sẽ phân hủy càng làm tăng lượng vi nhựa trong môi trường nước. 

Nhìn chung nồng độ hạt vi nhựa trong nước bề mặt cả trong mùa khô và mùa mưa tương ứng với mức hạt vi nhựa trung bình trong các hồ trên toàn cầu. Đánh giá rủi ro sinh thái dựa trên chỉ số tải lượng ô nhiễm (PLI) và chỉ số rủi ro sinh thái tiềm tàng (PERI) cho thấy chỉ có một hồ có mức rủi ro sinh thái cao trong mùa khô, còn hầu hết các hồ có mức rủi ro sinh thái thấp trong mùa khô. Tuy nhiên, phạm vi phân bố của hạt vi nhựa rộng ở khắp các hồ được khảo sát bắt đầu cho thấy rất đáng lưu ý về tình trạng ô nhiễm vi nhựa trong các hồ nước ngọt ở đô thị. Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần đưa hạt vi nhựa trở thành một tham số đưa vào quy hoạch môi trường nước mặt của thành phố cũng như các chương trình giám sát môi trường nước. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị trong tương lai nên tiếp tục nghiên cứu về vi hạt nhựa tích lũy trong trầm tích hồ để có được cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng ô nhiễm vi nhựa. Đồng thời, cần sớm có giải pháp kiểm soát nguồn hạt vi nhựa từ các nguồn thải sinh hoạt, thải công nghiệp xả thải vào các hồ để tránh các nguy cơ gia tăng áp lực cho hệ sinh thái cũng như rủi ro cho sức khỏe. 

Tác động của vi nhựa lên sức khỏe con người còn là vấn đề gây tranh cãi. Trong các thí nghiệm, người ta đã thấy vi nhựa có thể gây nguy hại với tế bào người, bao gồm những phản ứng dị ứng hoặc làm chết tế bào. Mới bắt đầu những nghiên cứu cho thấy có mối tương quan giữa tình trạng nhiễm vi nhựa với sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu gần đây cho thấy mối tương quan nhất định, chẳng hạn, có nghiên cứu trên hơn 200 bệnh nhân trải qua phẫu thuật đã tìm thấy gần 60% số người có vi nhựa hoặc thậm chí là hạt nano nhựa trong một động mạch chính. Dù vậy cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng trực tiếp chứng minh vi nhựa là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở con người.□ 

Bài đăng Tia Sáng số 14/2024

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)