Nhật dừng toàn bộ lò phản ứng hạt nhân

Từ ngày 5/5, Nhật Bản dừng hẳn các nhà máy năng lượng hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 1970, bất chấp các cảnh báo sẽ thiếu điện nghiêm trọng vào mùa hè này.

Lò phản ứng cuối cùng đang hoạt động sẽ đóng cửa để duy tu. Quyết định mang tính lịch sử này được đưa ra sau những ám ảnh đeo đẳng từ thảm họa sóng thần năm ngoái gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau vụ Chernobyl.

Tuy nhiên, quyết định này cũng khiến người dân Nhật lo sợ sẽ thiếu điện vào mùa hè này.

Hiện tại, chỉ có một trong số 50 lò phản ứng hạt nhân của Nhật tại nhà máy Tomari ở miền bắc đảo Hokkaido còn hoạt động. Tuy nhiên, theo lịch trình, lò phản ứng này cũng sẽ ngừng hoạt động để duy tu trong 70 ngày nữa.

Nhật đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng hạt nhân – vốn cung cấp 1/3 điện năng cho đất nước – cho tới khi thảm họa động đất – sóng thần vào tháng Ba năm ngoái đã khiến lò phản ứng ở nhà máy Fukushima Daiichi tan chảy.

Kể từ đó, công chúng Nhật đã không còn tin tưởng vào năng lượng hạt nhân. Còn lò phản ứng ở nhà máy Tomari đang được tạm ngưng để kiểm tra thêm về độ an toàn.

Các công nhân tại nhà máy Tomari sẽ di chuyển cần điều khiển vào lò phản ứng số 3 vào lúc 8 giờ GMT vào ngày mai, và hạ mức phát điện xuống bằng 0.

Mặc dù vậy, tương lai lâu dài của lò phản ứng cũng như chính sách năng lượng hạt nhân của Nhật Bản vẫn còn rất mơ hồ.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết hai đơn vị hoạt động độc lập tại nhà máy điện hạt nhân Oi ở miền tây nước Nhật vẫn đủ an toàn để khởi động lại, và có thể giúp tránh tình trạng thiếu điện trong các tháng mùa hè nóng nực.

Nhưng hiện vẫn chưa rõ là liệu chính phủ có nhận được sự đồng tình từ các nhà chức trách địa phương để khôi phục hoạt động các lò phản ứng này.

Công ty vận hành nhà máy Oi là Công ty điện Kansai cung cấp điện cho miền trung- tây Nhật Bản, bao gồm các trung tâm thương mại lớn như Osaka, Kyoto, Kobe, cho biết họ có thể sẽ thiếu 20% điện năng khi nhiệt độ tăng cao trong tháng Bảy.

Tới tháng Tám, khả năng thiếu hụt điện là 16%.

Công ty điện Kyushu cung cấp điện cho khu vực miền tây và HEPCO ở miền bắc cũng nói rằng họ sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu điện trong mùa hè nếu như không có năng lượng hạt nhân.

Việc sử dụng các nhà máy nhiệt điện khiến cho các công ty bị đội chi phí lên cao và gây ra hiệu ứng nhà kính.

Các chỉ trích nhằm vào năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục có hiệu quả khi nền kinh tế thứ ba thế giới không cần quá để tâm tới các cảnh báo thiếu điện.

Một loạt các cuộc tuần hành chống hạt nhân sẽ được tiến hành vào ngày mai nhân ngày lễ quốc gia vì trẻ em của Nhật, nhằm kêu gọi một tương lai an toàn cho giới trẻ của đất nước này.

Trước đó một năm, ngay sau khi thảm họa Fukushima xảy ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel – xuất thân là một nhà vật lý – đã quyết định đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của Đức. Trên thực tế, việc đóng cửa các lò phản ứng không ảnh hưởng gì nhiều tới việc cung cấp điện của Đức, dù cho trước đó có cảnh báo sẽ thiếu điện.

  

Tác giả