Những câu hỏi quan trọng trong khoa học xã hội

Bằng cách nào chúng ta có thể thuyết phục mọi người hãy chăm lo hơn cho sức khỏe? Vì sao trạng thái tâm lý có thể lan truyền như một bệnh lây nhiễm? Bằng cách nào nhân loại có thể gia tăng được trí tuệ tổng hợp?

Đây là một số trong các câu hỏi mà các nhà khoa học muốn có lời giải, theo kết luận của một nhóm các học giả trong lĩnh vực này, những người cho rằng danh mục mười câu hỏi của họ sẽ định hình cho tư duy các nhà nghiên cứu cũng như định hướng cấp kinh phí cho khoa học xã hội trong vòng vài thập kỷ tới.

Cũng trong một nỗ lực song song, Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ  (NSF) gần đây cũng công bố kết quả chương trình hoạt động của mình, trong đó đề nghị các nhà khoa học xã hội xác định ra “những câu hỏi quan trọng, vừa mang tính chất xây dựng nền tảng, vừa mang tính cách mạng”.

Cả hai nhóm đều nói rằng họ thực hiện việc này vì muốn các nhà nghiên cứu tạm quên đi các ưu tiên nghiên cứu trước mắt, nhằm xác định ra những vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực của họ. Các kết quả sẽ thể hiện tham vọng gia tăng của các ngành khoa học xã hội trong việc giải mã những vấn đề quan trọng nhất một cách định lượng, giải quyết được những vấn đề xã hội lớn, như bất bình đẳng, nghèo đói, chiến tranh, và sức khỏe.

Việc lập danh sách 10 câu hỏi của các nhà khoa học xã hội được truyền cảm hứng từ danh sách 23 câu hỏi quan trọng chưa được giải quyết được tập hợp bởi nhà toán học David Hilbert vào năm 1900. Các vấn đề mà Hilbert đặt ra đã giúp định vị mối quan tâm của các nhà toán học trong suốt thế kỷ tiếp theo. “Ông ta đặt ra lộ trình nghiên cứu cho toán học thế kỷ 20”, nhận xét từ Nick Nash, phó chủ tịch của General Atlantis, một công ty đầu tư có trụ sở tại Greenwich, bang Connecticut, Mỹ. “Vậy nếu chúng ta cũng có lộ trình nghiên cứu cho các ngành học khác thì sao?”


David Hilbert (1862 – 1943), tác giả của danh sách những câu hỏi giúp định hình nền toán học thế kỷ 20

Vào năm 2008, Nash học lấy bằng MBA của Đại học Harvard tại Cambridge, Massachusetts, khi ông trình bày lộ trình nghiên cứu này cho Stephen Kosslyn, khi đó là chủ nhiệm về khoa học xã hội của trường này. Cùng nhau, họ đã tổ chức một chương trình hội thảo kéo dài 7 tuần tại Harvard, bắt đầu từ tháng 4 năm 2010. Đây là nơi tập hợp những “nhà tư tưởng lớn” tới trình bày về các câu hỏi chưa được giải quyết, và bình bầu ra những vấn đề quan trọng nhất.

Kết quả bình bầu được đăng trên trang web của trường Harvard, hoặc bạn có thể tham khảo qua đường link: http://go.nature.com/wa1hwf

Sau đây là kết quả danh sách nhóm 10 vấn đề hàng đầu theo tiêu chí bình bầu căn cứ trên số lượng phiếu bầu trong đó xếp hạng vấn đề ở mức tối quan trọng: 

Hòa bình thế giới;
Những đặc tính mới nổi lên;
Mục đích của nhân loại;
Gia tăng dân số và phát triển bền vững;
Công bằng;
Những quyết định sai lầm mang tính tập thể;
Đạo Hồi và phương Tây;
Giám sát xã hội thời kỹ thuật số và biến đổi xã hội;
Vai trò của gene trong hành vi;
Làm cách nào để quyết định điều gì là tốt cho xã hội?

Bên cạnh danh sách này còn có những danh sách khác (có tất cả 5 danh sách khác nhau) được bình bầu theo tiêu chí khác (vì dụ danh sách tính theo số phiếu bầu xếp hạng vấn đề là “rất khó”, hoặc cân đối giữa 2 tiêu chí “tối quan trọng” và “rất khó”.

Nash và Kosslyn hi vọng rằng bằng việc thu hút sự chú ý tới những câu hỏi khó khăn và quan trọng sẽ truyền cảm hứng để các nhà nghiên cứu trẻ tuổi tập trung vào chúng, cũng giống như trước đây các nhà toán học trẻ đã bị thu hút bởi các vấn đề Hilbert. “Không gì làm chúng tôi vui hơn đã được thấy những khoản kinh phí cho nghiên cứu trong đó đề cập tới “các vấn đề Harvard”, Nash nói. 

Sự tương đồng giữa hoạt động tại trường Harvard và NSF cũng là điều tốt, nhận xét từ Myron Gutmann, giám đốc của tổ chức Khoa học Xã hội, Hành vi, và Kinh tế tại Arlington, Virginia. “Tôi rất hứng thú với danh sách Harvard”, ông nói. “Nó cho phép chúng ta thấy những vấn đề được cộng đồng quan tâm và lặp đi lặp lại”.

Phía NSF nhận được 240 phản hồi từ các câu hỏi trưng cầu. Gutmann dự định sẽ thảo luận về chúng với ủy ban tư vấn. “Tôi có thể hình dung được trong vòng 2 năm tới chúng ta sẽ xác định ra được vài vấn đề đặc biệt qua trọng và đầu tư cho chúng, dưới hình thức đầu tư thăm dò, và sẽ có đầu tư đáng kể hơn nữa trong vòng 5 – 10 năm”, ông nói.

Cary Cooper, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tại London, cũng tỏ ra phấn khích trước danh sách Harvard. Nếu có nguồn kinh phí cho những người tập trung nghiên cứu các vấn đề trên, các nhà khoa học xã hội trẻ có thể sẽ đủ tự tin để nghiên cứu về chúng và gác sang một bên những vấn đề đơn giản khác. Cooper cũng nói rằng ông sẽ cân nhắc đề nghị Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Anh thực hiện một hoạt động bình bầu tương tự.

(Lược dịch từ bài của Jim Giles, Nature News kết hợp với tham khảo trang http://go.nature.com/wa1hwf)

Tác giả