Những thách thức nước xuyên biên giới ở ĐBSCL

Làm thế nào để thích ứng với tình trạng sụt giảm mực nước sông Mekong và xâm nhập mặn ngày một gia tăng? TS. Trần Anh Thông (ĐH Quốc gia Singapore và trường ĐH Fulbright, TPHCM) và cộng sự đã tập trung vào đánh giá những chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nước ở khu vực này để góp phần tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Nạo vét kênh thủy lợi nội đồng trữ nước ứng phó hạn mặn ở huyện Hòn Đất, vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN.

Công bố của họ “Responding to transboundary water challenges in the Vietnamese Mekong Delta: In search of institutional fit” (Ứng phó những thách thức về nước xuyên biên giới trong ĐBSCL: Tìm kiếm sự phù hợp của chính sách) đã được xuất bản trên tạp chí Environmental Policy and Governance.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy có những khoảng trống hiểu biết trong chương trình chính sách liên quan đến thách thức về nước xuyên biên giới. Do sông Mekong chảy qua nhiều quốc gia nên những vấn đề về nước xuyên biên giới sẽ phải phụ thuộc vào tất cả các quốc gia này, không riêng gì Việt Nam. Sự hợp tác trong giải quyết vấn đề chung còn hạn chế nên đến nay, chế độ thủy văn xuyên quốc gia của sông Mekong cũng chưa được biết đến một cách đầy đủ và chưa được thể hiện một cách rõ nét trong các quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là ở cấp trung ương và cấp địa phương của từng quốc gia.

Để đi tìm một giải pháp hợp lý, TS. Trần Anh Thông và cộng sự đã rà soát chính sách về nước ở bốn tỉnh ĐBSCL là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Bến Tre dựa trên hai yếu tố: 1) các sự kiện môi trường cực đoan như suy giảm lượng nước, xâm nhập mặn; 2) đầu tư cơ sở hạ tầng nước quy mô lớn của trung ương và địa phương (kiểm soát lũ, các hệ thống kênh, cống thủy lợi…). Nghiên cứu cho thấy, cả vùng ngập lụt như Đồng Tháp, An Giang và nhiễm mặn như Kiên Giang, Bên Tre, đều đặt ra những thách thức đối với sinh kế của người dân cũng như những cách thức quản lý nước ở cấp địa phương. Ví dụ, trong cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2020, một chuyên gia phát triển Mekong nhận xét “Dẫu không có bất kỳ dữ liệu chính xác nào về nguyên nhân chính của thách thức nước xuyên biên giới nhưng tôi tin rằng việc giảm lưu lượng chảy của dòng Mekong mà ĐBSCL phải đối mặt trong vài năm trước cũng do hai nguyên nhân là hạn hán cực đoan và các đập thủy điện”.

Đi sâu vào phân tích dữ liệu của các tác giả cho thấy sự phối hợp còn thiếu nhịp nhàng giữa các chính quyền địa phương trong giai đoạn đầu của việc hình thành chính sách hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu ở quy mô địa phương. Rất có thể là điều này ảnh hưởng đến năng lực giải quyết các vấn đề về nước xuyên biên giới.

Dẫu các chính quyền địa phương đã điều chỉnh chính sách của mình theo Nghị quyết 120 nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, họ vẫn cố gắng vận dụng với hy vọng đạt được các mục tiêu phát triển đã hoạch định trước thay vì chủ động điều chỉnh các hàm ý chính sách để phù hợp với bối cảnh phát triển của địa phương hoặc mang lại hiệu quả tốt nhất cho địa phương. Trong một cuộc trao đổi ngắn vào tháng 3/2021, một chuyên gia về hệ sinh thái sông Mekong cho rằng “Nhìn chung, lãnh đạo các địa phương chưa hiểu hết tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 120 và việc Nghị quyết sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương như thế nào.  Trong các báo cáo tiến độ thực hiện Nghị quyết 120, họ thường có xu hướng nêu bật công việc hay giải pháp để chứng minh các kết quả mong muốn”.

Vì vậy, TS. Trần Anh Thông và cộng sự cho rằng có một sự thiếu ăn khớp trong thực thi chính sách, chủ yếu liên quan đến: 1) các quy mô hình thành và thực thi chính sách để giải quyết các thách thức môi trường và phát triển gắn với khu vực đồng bằng này; 2) các thách thức trong tái cấu trúc mẫu hình sản xuất lúa gạo-cây ăn trái- nuôi trồng thủy sản do hệ thống thủy lợi nội đồng chủ yếu phục vụ sản xuất lúa gạo; 3) không có sẵn nguồn lực cần thiết để tạo ra sự thay đổi này. Trong khi Nghị quyết 120 thúc đẩy các giải pháp thích ứng với tự nhiên, chính quyền các địa phương vẫn phải sử dụng cơ sở hạ tầng thủy lợi để giải quyết các thách thức về nước, đặc biệt là xâm nhập mặn.

Do đó, các tác giả đề xuất sự thay đổi về chính sách phát triển và môi trường từ tập trung vào vùng ngập lũ sang vùng ven biển do đây mới là nơi dễ bị ảnh hưởng trước xâm nhập mặn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)