Obama và kỷ nguyên mới

Một tháng trước ngày cử tri Mỹ chọn Tổng thống mới, ngọn gió chính trị bắt đầu đổi chiều và nếu không có bất ngờ vào phút chót, tân Tổng thống Barack Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức vào trưa ngày 20 tháng giêng 2009. Ở tuổi mới có 47 và là người da đen, vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ sẽ lập tức có một chỗ đứng lịch sử ở trong nước, và chắc chắn ông sẽ lèo lái chính sách nước này vào một hướng đi mới. Trên chính trường quốc tế, ông Obama cũng sẽ thay đổi gần như toàn diện tư thế “cao bồi” của ông George Bush và chắc chắn sẽ hồi phục lại phần lớn uy tín của Mỹ đã bị mất đi trong tám năm vừa qua. Đối với Việt Nam, tuy may mắn không còn là một “vấn đề gay go” cho Mỹ nữa, chính sách hòa hoãn và chín chắn của Obama, dù không có ảnh hưởng trực tiếp ngay lúc này, cũng sẽ có lợi hơn cho Việt Nam, nếu Chính phủ VN khôn khéo trong việc thương thảo với Mỹ. Tùy theo chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ nâng uy tín của nước này tới mức nào, Mỹ trong tương lai có thể là một đối tác chiến lược có thể tạo ra lợi thế cho Việt Nam khẳng định chỗ đứng của mình trong vùng châu Á -Thái Bình Dương.

Mùa hè căng thẳng
Mùa hè vừa qua là lúc cả hai phe củng cố lại hàng ngũ, chuẩn bị cho đại hội Đảng và mùa tranh cử thực thụ.
Bên phía Đảng Cộng Hòa, TNS McCain có hai lợi điểm chính: ông đã nắm đủ số phiếu để được Đảng đề cử vào chức Tổng thống từ tháng ba, trong khi TNS Obama còn phải tranh đấu với đối thủ cùng Đảng là TNS Clinton cho đến cuối tháng sáu mới nắm đủ số phiếu của Đảng Dân Chủ.
Lợi điểm thứ hai là ông McCain sẽ nhận khoảng 84 triệu USD của Chính phủ trong mùa tranh cử Tổng thống và không được gây quỹ thêm; như vậy ông sẽ bớt bị áp lực phải xin tiền của những người ủng hộ ông. Trong khi đó, TNS Obama từ chối tiền của Chính phủ, vì ông nghĩ tự ông có thể gây quỹ trên con số 84 triệu cho tới ngày bầu cử. Đây là một ván bài khá liều lĩnh của Obama: dù ông có xin được hơn 84 triệu đi nữa, ông và các cộng sự viên sẽ phải dành nhiều thì giờ và công sức để gây được số tiền này.
Trong thực tế, ê kíp McCain đã không tận dụng các lợi điểm ở trên để tạo một sức mạnh cho cuộc tranh hùng mùa thu. Trong ba tháng năm, sáu và bảy, phe McCain vẫn còn lủng củng nội bộ, và vẫn còn phải thay thế nhân sự.
Trong thời gian này, phe Obama một phần vừa tranh đấu để vượt qua Clinton, phần khác vẫn gây quỹ đều đặn, và giữ vững được một ê kíp rất có kỷ luật và hiệu quả. Thắng được Hillary Clinton không phải dễ: bà TNS này là người thông minh, đầy kinh nghiệm, và nhất là rất quyết tâm trở thành bà Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Bà còn hai lợi điểm khác nữa: rất nhiều phụ nữ Mỹ ủng hộ bà Clinton, và bà có một ông chồng từng là Tổng thống hai nhiệm kỳ và vẫn còn hấp dẫn được nhiều người trong Đảng Dân Chủ.
Nếu nhìn lại một cách khách quan, phe bà Clinton đã có lúc dùng những đòn chính trị hơi “bá đạo” chẳng hạn khi Bill Clinton và một vài cộng sự viên thân cận, như Geraldine Ferraro, ứng cử viên phó Tổng thống phe Dân Chủ đầu tiên vào năm 1984, thỉnh thoảng vẫn lôi chiêu bài màu da ra để hạ sức thu hút của Obama. Chính bà Hillary Clinton cũng đã “lỡ lời” một lần, nhân dịp kỷ niệm 40 năm một ứng cử viên khác cũng rất đang lên là ông Robert Kennedy bị ám sát tại Los Angeles năm 1968, bà đã lên tiếng là biết đâu TNS Obama cũng có thể bị cùng thảm họa. Hầu hết các giới báo chí và bình luận đều lên án câu nói này của bà Clinton.
Một chiêu khác mà phe Clinton thường dùng là “đòi nợ” những ai mà Bill Clinton đã từng cộng tác hoặc bổ nhiệm trong quá khứ. Trong năm 2007, chiêu “đòi nợ” rất hiệu quả, và một số lớn các “siêu đại biểu” (super delegates) của Đảng Dân Chủ đã đổ xô vào ủng hộ Hillary Clinton; mãi đến khoảng tháng ba trở đi, một số này mới trở cờ và quay sang ủng hộ TNS Obama.
Ngược lại, phe Obama chú trọng về mặt tổ chức thật chu đáo, gây quỹ vượt chỉ tiêu, và  gây hứng khởi trong giới trẻ và thành phần ít khi đi bầu. Trong khoảng 7 tháng vừa qua, ông  Obama đã gây được số ngân khoản như sau:  tháng hai: 55 triệu; tháng ba: 55 triệu;  tháng tư: 31 triệu; tháng năm: 22 triệu; tháng sáu: 52 triệu; tháng bảy: 51 triệu; và tháng tám: 66 triệu. Hai tháng còn lại, chắc hẳn ông sẽ tiếp tục hướng đi này.
Về mặt nhân sự, ê kíp của Obama vẫn còn nguyên vẹn, không phải thay đổi chức vụ nào quan trọng, và nhất là hoàn toàn có kỷ luật, không ai “xì” ra bí mật nào, không ai liên hệ đến xì căng đan nào. Điểm này khác hẳn với hai ê kíp Clinton và McCain: nội bộ lủng củng, thay đổi thường xuyên, và đôi khi trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Điều này chứng tỏ phần nào khả năng điều hành của mỗi ứng cử viên.
Khi Đảng Dân Chủ khai mạc Đại hội Đảng ở thành phố Denver, bang Colorado, ông Obama đã nắm trong tay đủ số phiếu để được chọn làm ứng cử viên của Đảng ra tranh chức Tổng thống. Tuy nhiên, phe Hillary vẫn chưa hàng phục, và vẫn còn muốn dùng số cử tri của họ để “quậy” cả ở đại hội Đảng cũng như trong mùa bầu cử sắp tới.
TNS Obama và các cố vấn, ở thế thượng phong, đã dư sức để “chơi đẹp” và dành cho cả hai vợ chồng Clinton có dư thì giờ để đọc diễn văn cũng như để kêu gọi Đảng Dân Chủ hợp nhất lại. Ngược lại, để “đáp lễ”, chính bà Clinton đã đứng lên rút tên mình ra khỏi vòng bầu cử trong nội bộ Đảng, và kêu gọi mọi người cùng chấp thuận bầu ông Obama, đối thủ cũ của mình, làm ứng cử viên của Đảng Dân Chủ.
Đêm cuối cùng của Đại hội Đảng Dân Chủ, phe Obama còn đi một đường ngoạn mục hơn nữa: đem Đại hội ra sân vận động lớn nhất thành phố Denver để cho nhiều người có thể đích thân chứng kiến bài diễn văn lịch sử. Hơn 85,000 người ngồi kín cả vận động trường, gần 40 triệu khán giả ở Mỹ, và hàng chục triệu người các nước khác chứng kiến TNS Obama chính thức nhận làm ứng cử viên của Đảng Dân Chủ tranh cử ghế Tổng thống.
Đảng Cộng Hòa cũng họp đại hội một tuần sau đó ở thành phố St. Paul, bang Minnesota. Không may cho Đảng “con voi” (tượng trưng cho Cộng Hòa) ngày khai mạc đại hội cũng là ngày một cơn bão lớn đổ vào Texas, thế là tương kế tựu kế, TNS McCain bỏ họp ngày đầu xuống vùng bão lụt để chia sẻ nỗi lo âu của mọi người.

Hầu như tất cả các thăm dò dư luận (CNN, CBS, Newsweek, LAT, NYT, Pew, v.v.) đều ghi nhận mức tăng trưởng của TNS Obama trong ba tuần qua.

Cứ đà này, tháng giêng sang năm, rất nhiều khả năng nước Mỹ sẽ khai trương một trang sử mới, do một thế hệ mới lãnh đạo, và hy vọng rằng nền kinh tế toàn cầu, cũng như nền hòa bình thế giới sẽ được phục hồi phần nào.

Kể ra cũng tiện cho McCain, vừa ra vẻ thông cảm với người dân vừa tránh không phải gặp mặt, bắt tay ông Tổng thống, lãnh tụ Đảng Cộng Hòa nhưng rất mất lòng dân.
Quả bom trong kỳ Đại hội Đảng Cộng hòa là Thống đốc bang Alaska, Sarah Palin, người TNS McCain chọn làm ứng viên phó Tổng thống cùng liên danh với ông.
Đây là một chiêu khá ngoạn mục vì nó có thể thay đổi được thế cờ khi ông McCain cần phải phản công: không ai ngờ là bà Palin sẽ được chọn, nên có một yếu tố bất ngờ ở đây; và quả thật, phe Obama đã mất gần hai tuần mới tìm lại được thăng bằng. Hơn nữa, bà Palin lại là phụ nữ nên có hy vọng lôi cuốn được phần nào số phiếu của phụ nữ, nhất là những người đã từng ủng hộ bà Clinton trước đây và hiện vẫn còn bực bội vì Obama đã không mời Clinton đứng chung trong liên danh Dân Chủ.
Tuy nhiên, sự lựa chọn bà Palin cũng có phần nguy hiểm:  bà chưa từng xuất hiện ở sân khấu quốc gia, và không ai biết là bà thực sự có khả năng như thế nào và sẽ phản ứng ra sao trước công luận và báo chí toàn quốc. Hơn nữa, TNS McCain cũng thú nhận là chỉ mới biết bà Palin trong thời gian rất gần đây, và ông đã quyết định mời bà vào chung liên danh sau một cuộc gặp gỡ chừng hai tiếng đồng hồ ở một buổi ăn sáng tại nông trại của ông; do đó, phe McCain đã không thể nào điều tra kỹ lưỡng về khả năng, quá khứ của bà Palin. Đó là một điều nguy hiểm. Hồi năm 1972, ứng cử viên Đảng Dân Chủ George McGovern chọn dân biểu Tom Eagleton làm phó Tổng thống; sau đó vài ngày mới biết là Tom Eagleton đã từng phải trị liệu về bệnh trầm cảm bằng phương pháp giật điện (shock treatment). McGovern đã phải thay thế Tom Eagleton bằng ông Sargent Shriver, em rể của cố Tổng thống John Kennedy, và từ đó liên danh Dân Chủ bị thua nặng nề.
Sự chọn lựa một cách “bốc đồng” này của TNS McCain cũng thể hiện phần nào cái tính “cao bồi” của ông ta: thích “làm nổi” và ít suy nghĩ cho chín chắn. Khi làm phi công, hoặc ngay cả khi làm TNS, tính “bốc đồng” có thể bỏ qua được, nhưng ở ghế Tổng thống, với trách nhiệm nặng nề, một người hãnh diện và ít suy nghĩ chưa chắc đã là người thích hợp.

Một tháng cuối cùng: So sánh hai ứng cử viên
Chỉ còn không tới bốn tuần nữa, sau hai lần tranh luận giữa TNS McCain và Obama và một lần giữa TNS Biden và Thống đốc Palin, ngọn gió đã đổi chiều, nghiêng hẳn về phe Dân Chủ.
Lý do chính có lẽ là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu:  trong không đầy một tháng, Chính phủ Mỹ đã phải quyết định chi hơn một nghìn tỷ USD để cứu vãn một số các doanh nghiệp lớn, cũng như để phục hồi thị trường tín dụng không những cho nước Mỹ mà còn cho toàn cầu. Nhưng vẫn chưa đủ, và trong hai tuần qua các nước Âu châu và Á châu với những thị trường chứng khoán lớn đều đã bị thụt giá nghiêm trọng; mỗi thị trường, từ Anh, Pháp, Đức, Nga cho tới Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thượng Hải, Sydney… đều mất ít nhất 10% trị giá chỉ trong khoảng vài ngày.
Riêng thị trường chứng khoán Mỹ ở New York, mặc dù với số tiền khổng lồ của Chính phủ, vẫn “xuống dốc không phanh”. Các nước Âu châu, vì chưa có một ngân hàng chung cho cả Cộng Đồng Âu châu (European Community) nên chưa phối hợp chính sách chung được; và ở thời điểm này vẫn còn mạnh ai nấy chạy.
Trong bối cảnh rối loạn và nguy hiểm này, nước Mỹ lại còn gánh thêm hai đại họa nữa:  nhiều người bị mất nhà và mất cả công ăn việc làm. Năm ngoái, có khoảng 1,000,000 nhà bị nhà băng tịch thu vì chủ nhân không thể tiếp tục trả nợ trên căn nhà họ đang sống (mortgage) và năm nay, cũng đã có gần 1,000,000 căn nhà rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Thêm vào đó,  kể từ đầu năm nay, tháng nào ở Mỹ cũng mất hàng chục ngàn công ăn việc làm, với con số lớn nhất vào tháng chín vừa qua: 159,000 việc làm bị mất. Tổng cộng chín tháng là 760,000 việc đã mất; nghĩa là 760,000 gia đình đã mất đi ít nhất một lợi nhuận.
Cái không may cho ông McCain là Đảng của ông (Cộng Hòa) đã nắm quyền hành pháp từ 8 năm nay, và quyền lập pháp từ 1994 tới 2006; nên ông không thể nào đổ lỗi cho phe Dân Chủ đã gây ra thảm họa kinh tế hiện thời. Hơn nữa, TNS McCain trong suốt 26 năm ở Quốc hội đã từng tranh đấu để gạt bớt những kiểm soát của Chính phủ trong các dịch vụ thương mại, kinh tế, và chứng khoán; nên khi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay xảy ra, ông McCain không thể tránh một phần trách nhiệm này được. Và TNS Obama cũng không bỏ lỡ cơ hội nào để nhắc nhớ cử tri về quá trình thân thiện với đám tài phiệt của chính ông McCain cũng như sự đồng lõa với chính quyền Tổng thống George Bush.
Nhà bỉnh bút hóm hỉnh Maureen Dowd của tờ New York Times đã “đá nhẹ” TNS McCain là ông này đã bị Bush đánh bại hai lần: lần đầu năm 2000 khi phe Bush hạ “độc thủ” để loại McCain ra khỏi vòng chiến ở bang South Carolina, và lần này Bush lại hạ McCain vì bắt ông này phải gánh chịu những hậu quả não nề do chính sách của Bush gây ra.
Nhưng hoàn cảnh không cũng chưa đủ để tạo cho TNS Obama thế thượng phong hiện nay. Ta phải nhìn lại gần hai năm qua để thấy một sự khác biệt rõ ràng giữa hai ứng cử viên này.
Về tuổi tác, một sự khác biệt rõ rệt: 47 so với 72. Hai thế hệ khác hẳn nhau, và nhất là do các phát minh khoa học trong vòng 50 năm qua càng “tô đậm” thêm sự khác biệt. Phe Obama dùng Internet và các phương tiện truyền thông hiện đại thật hữu hiệu để tổ chức, để lôi cuốn giới trẻ ủng hộ, và để gây quĩ hàng trăm triệu USD trên mạng; trong khi cá nhân ông  McCain còn chưa sử dụng thành thạo Email. Quả là họ sống ở hai thế kỷ khác nhau.
Về tính tình thì ngược lại: McCain, đáng tuổi bố Obama thì lại mang tính bốc đồng, dễ giận dữ, ăn nói đôi khi hàm hồ, thiếu suy nghĩ chín chắn, và nhất là có cái bệnh quyết định theo cảm xúc chứ không theo lý trí. Một vài ví dụ điển hình: khi Quốc hội đang vật lộn với dự án cứu vãn nền kinh tế Mỹ, TNS McCain đột nhiên tuyên bố là “ngưng tranh cử” để về Washington lo việc nước (nhưng thực sự thì không ngưng tranh cử và cũng không về Washington ngay) và ngưng cả cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai TNS. Khi về tới Washington, ông McCain gây khó khăn nhiều hơn là giúp cho Quốc hội tìm ra giải pháp thỏa đáng.
TNS Obama, ngược lại, giữ liên lạc với giới lãnh đạo Quốc hội và chính quyền hằng ngày qua điện thoại, vì ông sợ rằng sự hiện diện của ông sẽ đem màu sắc chính trị vào cuộc thảo luận gay go ấy. Và ông cũng không “cắn mồi” của McCain về việc đình chỉ tranh luận. Rút cuộc, ông già McCain vẫn phải lủi thủi bay xuống Mississippi để dự cuộc tranh luận đầu tiên ngày 25/9.
Ví dụ thứ hai là sự chọn lựa ứng viên phó Tổng thống cho mỗi bên. Từ hồi tháng năm, khi cuộc tranh cử với TNS Hillary Clinton còn chưa ngã ngũ, phe Obama đã tính xa và đã dựng lên một ủy ban riêng để giúp ông chọn lựa người sẽ cùng đứng chung với ông trong liên danh. Dẫn đầu ủy ban này là bà Caroline Kennedy, thứ nữ của cố Tổng thống Kennedy và cũng là người đã đứng ra chính thức ủng hộ Obama từ đầu năm nay. Ba tháng sau, TNS Obama mới tuyên bố là đã chọn TNS Joseph Biden làm bạn đồng hành vào tòa Bạch Ốc; mọi người đều cho đây là một lựa chọn hợp lý vì TNS Biden có nhiều kinh nghiệm về ngoại giao cũng như chính quyền và có đủ khả năng bước vào ghế Tổng thống nếu chẳng may có chuyện gì bất trắc xảy ra. Dĩ nhiên, vẫn còn một số phụ nữ đã từng ủng hộ TNS Clinton cảm thấy thất vọng vì Clinton đã mất cơ hội làm Phó Tổng thống; nhưng xét cho cùng, Obama cũng phải chứng tỏ có “bản lĩnh” đủ để từ chối sức ép của phe Clinton thì mới mong thắng cử toàn quốc được.
Về tổ chức, sau gần hai năm hoạt động, phe Obama đã chứng tỏ họ vượt trội phe McCain, và dữ kiện này đủ chứng minh khả năng điều hành rất giỏi của TNS Obama cũng như sự thiếu tổ chức của TNS McCain.
Ê kíp Obama cho tới nay vẫn còn nguyên vẹn, không có cải tổ nào quan trọng về nhân sự cũng như không có những lầm lỡ hoặc những tiết lộ bí mật nào đáng kể. Họ theo đúng một chiến lược đã hoạch định từ đầu: gây quỹ thật mạnh, lôi cuốn thật nhiều cử tri mới, tranh đấu cho từng lá phiếu một, từng tiểu bang một, không loại ai ra cả, và nhất là giữ vững một thông điệp đầy hy vọng vào tương lai chứ không “sa lầy” và “ném bùn” như trong quá khứ.
Ê kíp McCain thì  ngược lại: thay đổi lãnh đạo đến hai, ba lần trong năm qua, và cuối cùng lại chọn một người đã từng chủ mưu đánh phá, bôi nhọ chính ông McCain hồi năm 2000 về làm giám đốc cuộc vận động năm nay. Nếu không phải là “cõng rắn cắn gà nhà,” thì đây cũng phải là một quay ngược lại (U-turn) của TNS McCain. Và cuộc tranh cử đã thay đổi: phe McCain đã tung ra những đòn “bá đạo”, nhưng khác với các ứng cử viên Dân Chủ hai kỳ trước (Al Gore và John Kerry) năm nay phe Obama cũng sẵn sàng trả đũa nhanh và không nhân nhượng.
Về tiền bạc, phe Obama có đủ tiền để dàn quân ở tất cả các bang nào còn phải tranh thủ. Bang Florida chẳng hạn, nơi mà Al Gore gặp trở ngại lớn năm 2000 và mất ghế Tổng thống, phe Obama hiện nay chuẩn chi ít nhất 40 triệu USD để trả lương cho 350 nhân viên (không kể hàng chục ngàn người tình nguyện) làm việc trong 50 văn phòng trên toàn tiểu bang.
Cùng lúc đó, phe McCain đã rút ra khỏi bang Michigan, nơi mà TNS McCain đã hy vọng thắng . Lý do là vì không đủ tiền để dùng cho những bang khác có hy vọng hơn.

Sau ba trận võ miệng
Viết tới đây, hai TNS McCain và Obama đã “đấu võ miệng” xong hiệp nhì và hai ứng cử viên Phó Tổng thống cũng đã đấu một hiệp duy nhất tuần trước. Trong ba hiệp tranh tài, theo các thăm dò ý kiến của người xem, hai TNS Obama và Biden đã thắng cả. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế cũng là một cái cối đá trên cổ TNS McCain.
Vì thế, không lạ gì khi hầu như tất cả các thăm dò dư luận (CNN, CBS, Newsweek, LAT, NYT, Pew, v.v.) đều ghi nhận mức tăng trưởng của TNS Obama trong ba tuần qua.
Cứ đà này, tháng giêng sang năm, rất nhiều khả năng nước Mỹ sẽ khai trương một trang sử mới, do một thế hệ mới lãnh đạo, và hy vọng rằng nền kinh tế toàn cầu, cũng như nền hòa bình thế giới sẽ được phục hồi phần nào.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)