Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu nghĩ về trách nhiệm với tương lai của đất nước, doanh nghiệp nên đầu tư cho khoa học, công nghệ và giáo dục
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta luôn nói phải phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho giáo dục và khoa học, nhưng ai là người đầu tư?
“Vốn từ trước tới nay, chúng ta chỉ nghĩ rằng đó là Nhà nước. Từ lâu chúng ta đã cố khuyến khích phát triển các trường dân lập và tư thục, nhưng phần nhiều đó là những trường được thành lập từ tấm lòng rất tâm huyết của nhiều cán bộ trong giới khoa học và đào tạo sau khi nghỉ hưu. Họ kêu gọi được một số vốn tương đối ít ỏi của doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào. Cho nên phần lớn các trường ngoài công lập của chúng ta, kể cả tư thục và dân lập, đều là những trường rất khó khăn về cơ sở vật chất. Và vì thế họ phải lấy ngắn nuôi dài, kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn học phí của sinh viên để mà duy trì rồi mới hướng tới việc phát triển.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa sáng 26/11 tại Hà Nội. Ảnh: BTC
Gần đây, Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển giáo dục, trước hết là giáo dục đại học, nhưng thực tế là “rất nhiều người muốn [đầu tư cho giáo dục] nhưng không có tiềm năng, rất nhiều người có tiềm năng nhưng lại không ý thức được hết lợi ích lâu dài không chỉ cho riêng doanh nghiệp của mình mà là trách nhiệm đối với cộng đồng, với đất nước,” Phó Thủ tướng nói.
Ông kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào giáo dục, không phải vì họ có lòng tốt mà như trách nhiệm xã hội của mình. “Phần lớn các doanh nghiệp phát triển đến ngày hôm nay ngoài nhờ cơ chế chính sách, nguồn tài nguyên của đất nước, thì còn nhờ nguồn nhân lực đã được nhà nước đầu tư phát triển. Anh dùng nguồn nhân lực đó để phát triển doanh nghiệp của mình, thì cũng đến lúc ngoài tiền thuế trả lại như bình thường, thì những người nghĩ xa hơn về trách nhiệm với tương lai của đất nước rất nên dành nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ, đầu tư cho đào tạo con người.”
Nói về nghiên cứu khoa học, ông cho rằng, trong suốt nhiều năm, hệ thống sáng tạo của Việt Nam không giống như các nước phát triển, chưa coi doanh nghiệp là trung tâm, trường đại học là thành tố quan trọng. Gần đây, tình hình này đã được cải thiện, khu vực tư nhân và Nhà nước cùng đồng hành trong nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhờ đó Việt Nam thăng hạng từ vị trí 47 lên 45 và năm nay là 42 trên thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong số 39 quỹđổi mới sáng tạo đang hoạt động ở nước ta, chỉ có một quỹ của Việt Nam. Bởi vậy, ông cho rằng, Quỹ Đổi mới sáng tạo không vì lợi nhuận của Tập đoàn Phenikaa sẽ tạo thêm “một cánh tay đỡ” cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ, cho các start-up, đặc biệt là cho các ý tưởng sáng tạo của những người muốn dấn thân dù họ còn rất trẻ.
Chúc mừng và cảm ơn Ban lãnh đạo Tập đoàn Phenikaa đã dũng cảm đầu tư cho khoa học, công nghệ và giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận, ông gọi đó là cách đóng góp hiệu quả, đúng đắn và cần được thúc đẩy trong giới doanh nghiệp Việt Nam. Ông cũng tin rằng, sự kiện “ra mắt đúp” này của Tập đoàn Phenikaa sẽ truyền đi thông điệp rằng mỗi người trong chúng ta, từ doanh nhân đến người bình thường, đều nên nuôi dưỡng tinh thần, ý thức góp sức, góp của không vì lợi nhuận, không vì riêng mình mà vì đất nước, bởi khi đất nước phát triển thì sẽ có phần của mình ở trong đó.
Sáng 26/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Phenikaa đã tổ chức ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa. Trong đó, Trường Đại học Phenikaa hoạt động phi lợi nhuận với phương châm giáo dục gắn liền với nghiên cứu khoa học và phương pháp giảng dạy chú trọng thực hành và trải nghiệm thực tế; tổng vốn đầu tư cho cơ sở vật chất giai đoạn 2018-2020 là 1.600 tỷ đồng. Còn Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa có mức đầu tư ban đầu 1.000 tỷ đồng sẽ tài trợ không hoàn lại cho các dự án nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, xã hội.
Tập đoàn Phenikaa được biết đến nhiều nhất qua thương hiệu đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp hàng đầu thế giới VICOSTONE, đã có mặt ở 40 nước trên thế giới, trong đó lớn nhất là thị trường Úc và Mỹ.
Theo khoahocphattrien.vn