Phơi nhiễm bụi PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ tử vong

Sử dụng mô hình ước lượng nguy cơ tử vong do gia tăng ô nhiễm không khí tại tất cả các nước phát triển và chưa phát triển và dữ liệu về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (Khoa Sinh học thống kê, trường Đại học Y tế công cộng) và cộng sự ở ĐH Công nghệ (ĐHQGHN), Bệnh viện Nhi Trung ương, ĐH Sydney, ĐH New South Wales đã phát hiện ra nguy cơ tử vong khi phơi nhiễm bụi PM2.5.

Giao thông là một trong những nguồn phát thải bụi vào không khí. Nguồn: nld.com.vn

Kết quả nghiên cứu được công bố trong “Mortality Burden due to Exposure to Outdoor Fine Particulate Matter in Hanoi, Vietnam: Health Impact Assessment” (Gánh nặng tử vong do phơi nhiễm hạt bụi mịn ngoài trời ở Hà Nội, Việt Nam: Đánh giá về tác động sức khỏe), được xuất bản trên tạp chí International Journal of Public Health.

Mặc dù hiện nay đã có bằng chứng về ảnh hưởng của việc phơi nhiễm dài hạn các hạt bụi kích thước vi mô có mặt trong bầu không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng hầu hết đó là kết quả của những nghiên cứu ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam, sự ảnh hưởng này như thế nào? liệu có thấp hơn hoặc lớn hơn so với quốc tế? Với câu hỏi này, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của bụi PM2.5 đến sức khỏe con người tại Việt Nam, kể từ năm 2019 với tài trợ của NAFOSTED.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tập trung vào tìm hiểu tác động của việc phơi nhiễm bụi PM2.5 ở người trưởng thành (trên 25 tuổi) sống ở Hà Nội năm 2017. Bằng phương pháp dữ liệu ảnh vệ tinh, các thuật toán giải đoán và dữ liệu ở một số trạm mặt đất, họ đã lập được bản đồ phân bố nồng độ bụi PM2.5 với độ phân giải 3×3 km, qua đó cho thấy nồng độ bụi dao động từ 22,1 đến 37,2 µg/m³ trog khi quy chuẩn Việt Nam về nồng độ bụi là 25 µg/m3. Nồng độ bụi  phân bố không đồng đều ở các quận, huyện của Hà Nội, trong đó mức thấp nhất ở các vùng ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… và cao nhất ở các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa…

Dựa trên mô hình ước lượng nguy cơ tử vong toàn cầu, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung và đồng nghiệp đã phát hiện ra gánh nặng tử vong ở Hà Nội do phơi nhiễm bụi PM2.5 trên mức QCVN 05:2013 về tiêu chuẩn bụi PM2.5 là 2 µgm3 là 2.696 ca mỗi năm (7,3 ca mỗi ngày) và trung bình tỉ suất tử vong là 34,3 ca/100.000 người, thấp hơn so với ước tính toàn Việt Nam (36,82 ca/100.000 người năm 2017. Con số này cũng cao hơn so với ước tính ở trung tâm Bangkok với số lượng 21ca/100.000 người.

Có một điểm đáng chú ý là số ca tử vong do bụi PM2.5 ở các quận huyện cũng khác nhau, ví dụ ở quận Đống Đa, huyện Hoài Đức, Ba Đình lần lượt là 57,8/100.000 người, 51,7/100.000 người, và 49/100.000 người. Các quận “xanh” như Thạch Thất và Ba Vì có mức gánh nặng tử vong thấp hơn với con số lần lượt là 19,2/100.000 người và 13.9/100.000 người trong khi ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm chiếm tỉ lệ đáng kể trong tổng số ca tử vong trên 25 tuổi trong địa bàn quận, lần lượt là 26,6% và 23,5%. Quận Hai Bà Trưng có mức thấp nhất, số ca tử vong do bụi PM2.5 chỉ chiếm 5,6%. Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, sự khác biệt về số dân cũng là một nhân tố quan trọng dẫn đến sự khác biệt của số ca tử vong do phơi nhiễm giữa các quận. Do đó, các quận đông dân cư như Hoàn Kiếm, Ba Đình có số ca tử vong liên quan đến bụi cao nhất, dẫu mức phơi nhiễm thấp hơn so với nhiều quận khác.

Mặc dù nhận thấy nghiên cứu của mình vẫn còn có một số giới hạn về số liệu đầu vào nhưng các tác giả vẫn cho rằng, nghiên cứu cho thấy có thể đạt được những lợi ích bền vững về sức khỏe nếu Hà Nội thực hiện hiệu quả các chính sách giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí về mức QCVN 05:2013.□

(A. Vũ)

Tác giả