Quan tâm đến phản hồi của công chúng về ĐHN

Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành cho rằng, để xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, bên cạnh những khía cạnh về công nghệ và sinh thái thì sự chấp nhận của công chúng đối với điện hạt nhân cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Ngày 27/10 tại Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) đã phối hợp với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) tổ chức Hội thảo về an toàn sinh thái và sự chấp nhận của công chúng đối với năng lượng hạt nhân. Trọng tâm của hội thảo là các khía cạnh công nghệ, sinh thái và xã hội trong việc lên kế hoạch, xây dựng và vận hành các cơ sở năng lượng hạt nhân.

Đại diện Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ KH&CN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều tổ chức liên quan đến chương trình điện hạt nhân Việt Nam đã tham dự hội thảo.

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Vinatom, nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn sinh thái và quan điểm của công chúng đối với năng lượng nguyên tử, ngành công nghiệp mới đang được hình thành tại Việt Nam: “Để xây dựng thành công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, bên cạnh những khía cạnh về công nghệ và sinh thái thì sự đồng thuận của công chúng đối với điện hạt nhân cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án này là đem lại một sự nhận thức và hiểu biết đầy đủ của xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết, và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, các yêu cầu về an toàn và an ninh. Hiện nay, LB Nga và các nước khác tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo mức độ cần thiết về an toàn môi trường của các nhà máy điện hạt nhân”.

Kinh nghiệm của LB Nga

Tại hội thảo, đại diện của Rosatom đã trình bày báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm từ 70 năm hoạt động của tập đoàn trong việc đảm bảo an toàn hạt nhân và bức xạ tại các cơ sở công nghiệp hạt nhân Nga và tại các dự án mà tập đoàn thực hiện ở nước ngoài.

Ông A.Semiletov, kỹ sư trưởng Viện thiết kế Atomproekt trình bày về tính tương thích và độ an toàn đối với môi trường của các lò phản ứng công nghệ VVER thế hệ mới của Nga. Loại lò phản ứng này sẽ được lắp đặt tại Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam do Rosatom hợp tác xây dựng.

Các diễn giả khác, TS. E. Melikhova, Trưởng phòng thí nghiệm Viện An toàn hạt nhân (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga – IBRAE RA); T. Palitskaya, chuyên gia chính Phòng An toàn và bảo vệ bức xạ công ty Rosenergoatom (Rosatom); TS. O. Gorbunova, Trưởng Bộ phận RosRAO (Rosatom)… đã đề cập đến chủ đề được nhiều người quan tâm, sự tác động giữa điện hạt nhân, chất thải phóng xạ và môi trường sống, thông qua các báo cáo: “Những nguyên tắc cơ bản trong việc đánh giá tác động môi trường của các cơ sở hạt nhân”, “An toàn sinh thái trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân của Nga”, “Kinh nghiệm của Nga và quốc tế trong xử lý chất thải phóng xạ (RW)”… Theo kinh nghiệm của Rosatom, việc kiểm tra đánh giá tác động môi trường và các biện pháp bảo vệ thiên nhiên hiện hành tại các nhà máy điện hạt nhân của Nga được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả. Hiện nay, 34 tổ máy hạt nhân với tổng công suất tương đương 26,2 gigawatt đang được vận hành tại Nga, đóng góp vào 17% sản lượng điện tại quốc gia này mà không gây ảnh hưởng tới môi trường. Các nhà máy điện hạt nhân do Rosatom xây dựng trong suốt 60 năm qua tại Nga và nước ngoài đã góp phần giảm thiểu 15 tỷ tấn khí CO2, tương đương với lượng phát thải của Trung Quốc trong thời gian hai năm hay tổng lượng phát thải của các nước châu Á khác trong bốn năm.

Kinh nghiệm về truyền thông được Rosatom trình bày tại hội thảo

“Năng lượng nguyên tử là một loại năng lượng xanh. Tuy vậy, để đạt được mức độ an toàn cao với môi trường, cần thiết phải triển khai các công việc một cách nghiêm túc và bền vững. Với những quốc gia mới bắt đầu trong lĩnh vực này, an toàn với môi tường là một trong những yếu tố mang tính cốt lõi. Là một nhà thầu có trách nhiệm, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với đối tác Việt Nam mọi kiến thức chuyên môn mà mình có trong khía cạnh này”, ông Egor Simonov, Giám đốc Rosatom khu vực châu Á, phát biểu tại hội thảo.

Ông cũng cho biết thêm, bên cạnh việc giúp cho nhà máy điện hạt nhân đạt mức an toàn cao với môi trường, vấn đề quan trọng khác là phải đạt được sự chấp thuận của công chúng. Rosatom chú ý đến vấn đề này và chia sẻ thông qua báo cáo “Sự chấp nhận của công chúng: Kinh nghiệm và cách thức tiếp cận của Rosatom” do ông Arkady Karneev, Giám đốc truyền thông Rosatom châu Á. Trong quá trình công khai thông tin về điện hạt nhân, Rosatom đã đa dạng hóa các hình thức tiếp cận, hướng đến nhiều đối tượng trong xã hội như tổ chức những cuộc thi câu cá tại hồ làm mát nhà máy điện hạt nhân, trình chiếu các bộ phim, chương trình truyền hình và thông tin về điện hạt nhân qua các ứng dụng điện thoại, đồng mở nhiều tour thăm quan các cơ sở hạt nhân của Nga dành cho giới truyền thông… Những số liệu cụ thể về thực trạng bức xạ tại nhà máy điện hạt nhân Nga đều được công khai trên cổng thông tin russianatom.ru.

Ngoài ra, Rosatom còn chủ động thực hiện công tác truyền thông ở các quốc gia mà mình cung cấp công nghệ nhà máy điện hạt nhân trong đó có Việt Nam với Trung tâm thông tin Năng lượng nguyên tử do Rosatom xây dựng trong khuôn viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Giám đốc trung tâm, GS. TS Hà Mạnh Thư cho biết trong năm 2014, hơn 30.000 lượt khách đã tới thăm trung tâm: “Theo số liệu mà chúng tôi ghi nhận, hơn 80% khách thăm quan đã thay đổi quan điểm của mình về công nghệ hạt nhân sau khi thăm các trung tâm thông tin hạt nhân”.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)