Ra mắt sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.KTS Ngô Huy Quỳnh

Tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.KTS Ngô Huy Quỳnh, người tham gia thiết kế Lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945 lịch sử, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận xét: “Ông là một trong những người đặt nền móng cho nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, một trong tám người sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam năm 1948, ngày nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam”.


Chân dung tự họa của KTS. Ngô Huy Quỳnh.

Buổi lễ diễn ra vào sáng ngày 15-5-2020 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp cùng gia đình GS.KTS Ngô Huy Quỳnh.

Là sinh viên khóa cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Ngô Huy Quỳnh đã ghi dấu ấn khi thiết kế và hướng dẫn xây dựng nhiều công trình nhà ở, biệt thự tại các phố Nguyễn Du, Cao Ðạt (Hà Nội), ở Nam Ðịnh, Ðình Bảng (Bắc Ninh)… ngay từ ngày đi học. Vào những ngày chuẩn bị cho Lễ Độc lập, ông và họa sĩ Lê Văn Đệ đã xin đảm trách thiết kế lễ đài Độc lập mà trong Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập của nhà văn Phùng Quán là “một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hòa công trình với tổng thể…”. 

Năm 1951, ông được cử sang Liên Xô học tập. Trở về nước, GS Ngô Huy Quỳnh để lại dấu ấn đậm nét với những nghiên cứu lý luận, lịch sử kiến trúc Việt Nam; một người đi tiên phong trong nghiên cứu, thiết kế nhà ở của các đồng bào dân tộc, nhà cổ truyền, nhà trình tường…, cũng như tham gia các công trình kiến trúc lớn của đất nước như  lập quy hoạch trung tâm Quảng trường Ba Đình, Nhà Quốc hội tại Quần Ngựa… Do đó, Ngô Huy Quỳnh được xem là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kiến trúc Việt Nam.

Có mặt tại buổi lễ, PGS. TS. KTS Tôn Đại – người học trò của ông kể lại: “Ông là một người hóm hỉnh, dễ tính, xuề xòa. Một lần ông nói với lớp sinh viên chúng tôi: ‘Tôi còn đủ sơn dầu để vẽ đến cuối đời’. Rồi ông tủm tỉm cười: ‘Vì bây giờ không có thời giờ, không biết vẽ vào lúc nào cả.’” Nói như vậy, bởi Ngô Huy Quỳnh dành phần lớn quỹ thời gian của mình vào việc soạn thảo chương trình giảng dạy, trực tiếp đứng lớp tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Và như thế, những cuốn sách lý luận và lịch sử trong và ngoài nước do ông viết đã ra đời, có thể kể đến cuốn “Xây dựng bằng vật liệu tại chỗ vùng dân tộc ít người”, “Lịch sử kiến trúc Việt Nam”, “Kiến trúc cổ đại châu Á”, “Lịch sử kiến trúc Việt Nam – Lào”, “Kiến trúc nông thôn Việt Nam”… Với vai trò là một thầy giáo, ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ kiến trúc sư ở Việt Nam.

Để ghi dấu ấn về dịp đặc biệt này, gia đình giáo sư Ngô Huy Quỳnh đã ra mắt “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh”, một cuốn sách có sức nặng không chỉ bởi những bức họa in kèm mà còn có chân dung người thiết kế lễ đài Độc lập dưới ngòi bút của nhà văn Phùng Quán. 

Theo họa sỹ Ngô Thành Nhân – con trai GS.KTS Ngô Huy Quỳnh, “trong cuốn sách này, chúng tôi giới thiệu 100 bức họa của ông thuộc nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, than chì, sơn mài… nhưng nhiều nhất là bằng chất liệu sơn dầu.” Qua đó, người ta có thể nhận ra mối quan tâm của ông dành cho hội họa, từ những bức chân dung của các thành viên trong gia đình đến phong cảnh, kiến trúc… ở những vùng đất nơi ông từng đặt chân đến. 

Tại buổi kỷ niệm, với 30 bức tranh của ông được trưng bày trong triển lãm, người thưởng ngoạn được dịp chiêm ngưỡng những nét vẽ và tâm hồn nghệ sỹ Ngô Huy Quỳnh. Như cách nói của ông Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), đó là những “nét tinh tế, sang nhã, hàn lâm mà vẫn thân gần cùng đĩa màu chân quê của căn cốt Việt…” □

Đinh Hà

Tác giả