Rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân tiêu chuẩn từ 4 năm xuống còn 3 năm
Các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đang thử nghiệm việc rút ngắn thời gian đào tạo cử nhân tiêu chuẩn từ 4 năm xuống còn 3 năm, nhằm mục đích giữ các gương mặt sáng giá cho bậc sau đại học.
Chương trình “3+X”
Tháng 6 này, Đại học Bắc Kinh, ngôi trường tinh hoa nhất của Trung Quốc, vừa giới thiệu một chương trình đào tạo “3+X”, cho phép những sinh viên đạt kết quả tốt nhất có thể ngay lập tức nhập học sau đại học sau khi hoàn thành năm thứ 3 chương trình cử nhân. X ở đây có thể là 2 hoặc 3 năm đối với chương trình thạc sĩ, và 4 đến 5 năm đối với chương tình tiến sĩ. Gong Qihuang, phó chủ tịch điều hành của Đại học Bắc Kinh, đã thông báo chi tiết về chương trình này tại một buổi họp báo do Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức.
Wu Keming, Giáo sư tại Trường Khoa học Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Hồ Nam, cho rằng, “Với kế hoạch này, trường đại học vừa có thể giữ lại những sinh viên ưu tú, từ đó nâng cao chất lượng của học viên sau đại học và danh tiếng của chương trình. Với những sinh viên có đam mê học thuật, kế hoạch này giúp họ tiết kiệm một năm học để có thể tiến hành nhiều nghiên cứu hơn.”
Các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đang tìm kiếm các phương án để làm cho tiến trình chuyển sang cấp học sau đại học trở nên dễ dàng hơn, với những mô hình như “3+5”, “3+1+X” và “3+2+3”, theo đó sinh viên được chọn bắt đầu học các chương trình sau đại học trong khi vẫn đang hoàn thiện các môn học ở chương trình cử nhân.
Trước đó, hồi tháng Hai, Đại học Thanh Hoa cũng đưa ra thông báo về việc thiết lập một “lộ trình linh hoạt” để kết nối các chương trình cử nhân và sau đại học, nhưng vẫn chưa cung cấp các thông tin chi tiết hơn về quy trình hay tiêu chí của lộ trình này.
Giáo sư Wu cho rằng các sáng kiến trên sẽ lan ra nhiều trường đại học, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa các trường về danh tiếng, kết quả đào tạo và sinh viên tài năng. Và rốt cuộc, nó có thể góp phần vào xu hướng ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp chọn ở lại các trường đại học trong nước để tiếp tục học sau đại học.
Trước đó, trong cuộc họp hai phiên thường niên giữa Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc diễn ra vào tháng Ba, đã có nhiều đề xuất kêu gọi xem xét lại cách thức tuyển sinh sau đại học của các cơ sở giáo dục. Cụ thể, các đề xuất này cho rằng cần trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường trong việc quyết định số nghiên cứu sinh sẽ đào tạo mỗi năm, và cải cách quy trình tuyển sinh thạc sĩ.
Quy mô đào tạo sau đại học trong nước tăng mạnh
Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng đăng ký sau đại học, mà theo các chuyên gia, đến từ các nỗ lực dài hạn của chính phủ. Kỳ thi tuyển sinh sau đại học toàn quốc diễn ra vào tháng 12/2020 ghi nhận 3,77 triệu người tham dự, tăng 10% so với con số 3,41 triệu của năm 2019.
Trong một văn bản ban hành vào tháng 9/2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về giáo dục sau đại học vào năm 2035.
Khác với ở Anh hay Mỹ, đào tạo sau đại học không đóng góp lớn vào thu nhập tài chính của các trường ở Trung Quốc. Các chiến lược kích thích dường như có mục đích xây dựng nội lực quốc gia nhiều hơn. Li Feng Lang, phó giáo sư tại Viện Giáo dục thuộc Đại học Thanh Hoa, chỉ ra rằng, giáo dục sau đại học góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó chính phủ đang nỗ lực tăng quy mô đào tạo của bậc học này.
Phân tích của Times Higher Education về báo cáo việc làm sau khi tốt nghiệp với dữ liệu từ 10 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc chỉ ra, tỷ lệ sinh viên đăng ký tiếp tục học lên tại một cơ sở nước ngoài sau khi tốt nghiệp đã giảm đều trên toàn quốc kể từ năm 2017. Đồng thời, số sinh viên tốt nghiệp theo học các chương trình sau đại học trong nước tăng lên đáng kể, phản ảnh năng lực đào tạo ngày càng cao của Trung Quốc. Mặt khác, xu hướng này có thể là hệ quả của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị.
Tại Đại học Thanh Hoa, năm 2017 có 813 sinh viên du học sau khi tốt nghiệp, chiếm 34% tổng số sinh viên tốt nghiệp tiếp tục học lên các bậc cao hơn. Đến năm 2019, con số này giảm xuống còn 699 (chiếm 31%); và vào thời điểm hậu đại dịch vào năm 2021, con số này chỉ còn 409 (chiếm 17%). Đại học Phúc Đán cũng chứng kiến xu hướng tương tự với tỷ lệ sinh viên tìm kiếm cơ hội học sau đại học ở nước ngoài giảm từ 49% vào năm 2017 xuống còn 31% vào năm 2020. Tỷ lệ sinh viên Đại học Bắc Kinh du học sau đại học giảm từ 41% vào năm 2017 xuống 27% vào năm 2021.
Tuy vậy, sự tăng trưởng này chủ yếu được nhận thấy ở các trường đại học danh tiếng hàng đầu. Một cuộc khảo sát trên gần 8.000 sinh viên Trung Quốc do công ty tư vấn Kantar của Mỹ thực hiện thay mặt cho công ty công nghệ giáo dục tư nhân New Oriental ở Bắc Kinh vào năm 2015 cho thấy, khoảng 45% tổng số người được hỏi nói rằng họ quan tâm đến việc đi du học. Tuy nhiên, với nhóm sinh viên đến từ các trường đại học thuộc sáng kiến Double First Class, Dự án 985 và Dự án 211 (tức những trường hàng đầu, được chính phủ Trung Quốc lựa chọn đầu tư lớn để hướng tới mục tiêu đẳng cấp thế giới), con số này còn 29% trong những năm gần đây, trong khi trước đó ổn định ở mức khoảng 35%. Ngược lại, sự quan tâm tới việc đi du học sau đại học của sinh viên tại các trường đại học khác lại tăng nhẹ trong những năm gần đây và hiện đang ở mức 50%.
Ningyang, nhà nghiên cứu tại Đại học Đông Ngô (Đài Loan), cho rằng xu hướng ở lại học cao học trong nước là tất yếu, trong bối cảnh hậu đại dịch, mối quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, thị trường việc làm trong nước biến động và ngày càng có nhiều chương trình học sau đại học được mở ra. Theo Anna Esaki-Smith, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu và phân tích giáo dục Education Rethink, một phần lý do dẫn đến xu hướng này là sự thăng tiến của các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc trên các bảng xếp hạng quốc tế, sinh viên Trung Quốc không cần phải ra nước ngoài để kiếm bằng cấp có giá trị toàn cầu nữa. Bên cạnh đó, Esaki-Smith nhận định, các yếu tố kinh tế cũng góp phần ảnh hưởng tới quyết định ở lại trong nước của nhiều sinh viên. Khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP đã chậm lại, thu nhập của các hộ gia đình không tăng với cùng tốc độ như trước đây, chi phí du học dần trở thành một rào cản lớn.
Trang Anh
(Visited 5 times, 1 visits today)