Sao Hỏa có thể là nơi sinh sống của vi sinh vật từ hàng tỷ năm trước

Tảng đá đầy vết đốm và đường gân được xe tự hành của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA phát hiện trên sao Hỏa có thể từng là nơi sinh sống của vi sinh vật từ hàng tỷ năm trước.

Tảng đá hình nhọn như đầu mũi tên, có tên là Cheyava Falls, được xe tự hành Perseverance của NASA phát hiện vào ngày 21/7 khi di chuyển dọc theo rìa phía bắc của Neretva Vallis, một thung lũng cổ được hình thành bởi nước chảy vào miệng núi lửa Jezero của sao Hỏa.

NASA cho biết, phân tích tảng đá rộng 90 cm, cao 60 cm cho thấy các dấu hiệu của vật chất hữu cơ. Các đốm bề mặt trông tương tự như các đốm liên quan đến vi khuẩn hóa thạch trên Trái đất, và là bằng chứng cho thấy nước từng đi qua đá.

Ken Farley – nhà khoa học dự án trong sứ mệnh Perseverance tại Viện Công nghệ California, cho biết Cheyava Falls là “tảng đá thách đố, phức tạp và có khả năng là mẫu vật quan trọng nhất mà Perseverance đã điều tra”. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nói rõ rằng các quá trình phi sinh học, chứ không phải hóa thạch vi khuẩn, có thể đã làm phát sinh các dấu vết trên tảng đá.

“Một mặt, chúng tôi có phát hiện thuyết phục đầu tiên về bằng chứng vật chất hữu cơ – những đốm biểu thị các phản ứng hóa học mà đời sống vi sinh vật có thể sử dụng làm nguồn năng lượng, và bằng chứng rõ ràng rằng nước, cần thiết cho sự sống, đã từng đi qua đá”, Farley nói. “Mặt khác, chúng tôi không thể xác định chính xác đá hình thành như thế nào và những tảng đá gần đó có thể đã làm nóng Cheyava Falls ở mức độ nào để góp phần tạo nên những đặc điểm này.”

Trong quá khứ xa xưa, sao Hỏa là một hành tinh ấm hơn, ẩm ướt hơn bây giờ. Nếu sự sống từng phát triển ở đó, các nhà nghiên cứu tin rằng dấu vết sẽ còn sót lại trong đá của nó, dưới dạng vật chất hữu cơ và tàn dư hóa thạch.

Bản quét đá Cheyava Falls bằng thiết bị của Perseverance cho thấy nó chứa các hợp chất hữu cơ. Các phân tử dựa trên carbon như vậy được coi là khối xây dựng của sự sống, nhưng cũng có thể được tạo ra bởi các quá trình phi sinh học.

Những đường gân calcium phosphate lớn, màu trắng chạy dọc theo tảng đá Cheyava Falls. Giữa chúng là các dải vật chất màu đỏ, có thể là haematite, một trong những hợp chất oxide sắt tạo nên màu đỏ gỉ sét cho sao Hỏa. Kiểm tra kỹ hơn các dải vật chất cho thấy hàng chục vết nhỏ giống đốm da báo. Mỗi đốm trắng đục được bao quanh bởi một vòng màu đen chứa sắt và phosphate.

David Flannery – nhà sinh vật học vũ trụ tại Đại học Công nghệ Queensland, Úc ,và là thành viên của sứ mệnh – gọi những đốmnày là “một bất ngờ lớn”, bởi vì trên Trái đất, những đặc điểm tương tự “thường gắn liền với hồ sơ hóa thạch của vi khuẩn”.

Các đốm trắng có thể đã hình thành trên đá thông qua các phản ứng hóa học liên quan đến haematite, tạo ra sắt và phosphate, cũng như tạo ra năng lượng tiếp sự sống cho vi khuẩn. Mặc dù các đặc điểm này rất hấp dẫn, nhưng vẫn chưa có gì là một vi khuẩn hóa thạch thực sự được nhìn thấy.

Giới nghiên cứu đang mong muốn đưa các mẫu vật về Trái đất để điều tra kỹ lưỡng hơn, nhưng kế hoạch đưa đá sao Hỏa về Trái đất của NASA đang gặp khó khăn.

Sứ mệnh trả lại mẫu sao Hỏa của NASA đã vượt quá ngân sách 11 tỷ USD và bị trì hoãn nghiêm trọng và không có triển vọng đưa đá trở lại trước năm 2040. NASA đang tìm kiếm các công ty trả lại mẫu sao Hỏa sớm hơn và với chi phí thấp hơn.

GS John Bridges – một nhà khoa học tham gia sứ mệnh tại Phòng thí nghiệm Khoa học Sao Hỏa của NASA tại Đại học Leicester, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì như thế này từ sao Hỏa trước đây, không phải trong các bộ sưu tập thiên thạch sao Hỏa của chúng tôi, cũng không phải với các tàu đổ bộ khác.” Và ông cho rằng cần đưa những mẫu này trở lại Trái đất để kiểm tra xem chúng được hình thành nhờ hoạt động của vi sinh vật cổ đại hay phi sinh học.

Trương H Nam

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)