Tác giả Vũ Thế Thành nói chuyện về “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”

Tác giả Vũ Thế Thành sẽ có buổi nói chuyện về chủ đề “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, cũng là tên cuốn sách mới xuất bản của ông, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện thường kỳ do tạp chí Tia Sáng tổ chức.


Theo quan điểm của tác giả Vũ Thế Thành, an toàn thực phẩm chỉ là cách phòng bệnh từ xa, hiệu quả không thấy trước mắt, ai nói sao cũng được và các hãng thực phẩm chức năng chính là bậc thầy khai thác điểm mờ này. “Với họ, cái gì mơ hồ đều là có thể. Cái gì có thể nghĩa là chắc chắn, và khuyếch đại bằng mọi phương tiện quảng cáo,” ông viết trên blog cá nhân.

Bên cạnh đó, nhiều bài báo viết về an toàn thực phẩm trích dẫn thiếu khoa học, đầu xuôi đuôi ngược, nhìn đâu cũng thấy độc hại, ung thư. “Người viết thiếu chuyên môn, nhưng có biệt tài giựt tít, chơi chữ rùng rợn, tạo ấn tượng sợ hãi cho người đọc”, trong khi người tiêu dùng quá cả tin vào những loại thực phẩm được tuyên truyền là “thần dược”.

Cuốn sách của ông tập hợp những bài viết về an toàn thực phẩm nhằm giúp chúng ta dù ăn để sống (tồn tại) hay ăn để sướng thì cũng không phải vừa ăn vừa sợ.

Ông hóa giải nỗi lòng “sợ nhưng vẫn phải ăn để sống” của nhiều người bằng cách trình bày khoa học về mức giới hạn hóa chất dùng trong thực phẩm, một yếu tố giúp chúng ta hiểu rõ những thực phẩm nào mới có khả năng gây ngộ độc cấp tính và những thực phẩm nào chỉ có nguy cơ gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều và liên tục trong thời gian dài. Bên cạnh đó, các bài báo của ông lật ngược lại nhiều cách hiểu sai về thực phẩm, từ phụ gia đến chất bảo quản; hay lật tẩy những cách nói quá về tác hại cũng như tác dụng của một số loại thực phẩm, gây hoang mang hoặc hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông khẳng định, vấn nạn lớn hơn tình trạng nhiễm khuẩn hay ngộ độc thực phẩm hằng ngày là nguồn nước nhiễm arsenic, thuốc diệt cỏ, trừ sâu,… với hệ lụy nông sản cũng bị nhiễm bẩn theo, trong khi hóa chất bị cấm dùng trong thực phẩm còn được bày bán thoải mái, chặn đầu này, lách đầu kia, chỉ cắt ngọn, chứ không chặt gốc. Song đây là những vấn đề mà ông tự nhận là “ngoài tầm tay” của ông bởi chúng quá vĩ mô.

Tác giả Vũ Thế Thành tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn, chuyên môn sâu về Quản trị chất lượng.

Thông tin chi tiết:

Thời gian: 14 giờ 30, thứ Bảy, 8/4/2017

Địa điểm: Cà phê Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Vào cửa tự do

Chuyện kể của nhà khoa học đau đời

Kim Hạnh
Vừa là bạn, vừa làm báo, làm biên tập, và lại không có nghề chuyên ngành hóa và an toàn thực phẩm, tôi rất ngần ngại khi viết những lời tâm tình này cùng người đọc hai cuốn sách của kỹ sư Vũ Thế Thành.
Đọc bài anh thì tôi vẫn đọc hằng tuần, một cộng tác viên của tờ báo từ khi còn là tờ Sài Gòn Tiếp Thị (tới nay phải đổi tên là Thế Giới Tiếp Thị mà hồn vẫn giữ) luôn gửi bài đúng hẹn nhất. Từ tư duy đề tài, kỹ thuật diễn đạt cho đến tương tác người đọc, tôi tin nhiều phóng viên chuyên nghiệp phải “ngán” anh Thành. Anh làm nghề hóa thực phẩm, không phải nghề văn hay nghề báo nhưng từ nhu cầu trò chuyện thật tự nhiên với bạn bè về những gì họ quan tâm, anh viết dễ dàng và đang miên man viết về một vấn nạn lớn nhất hiện nay: thực phẩm bẩn khắp nơi, ăn uống sao cho an toàn, cho mình, cho gia đình?
Phải nói là những gì anh đề cập đều là câu chuyện gần gũi nhất về các món ăn quen thuộc với mọi người: gừng, muối, cá, rau răm, cà phê, bia, sữa, khoai tây, dầu ăn, nhôm, côn trùng, đường, trứng… với những “chứng” ai cũng âu lo: nhiễm khuẩn, ngộ độc, dị ứng… Tôi biết rằng khi viết về từng món, từng vấn đề, anh đều tham khảo kỹ và truy đến cùng các tài liệu khoa học lý thuyết cũng như thực nghiệm. Từng ấy món ăn, ai đó đem đi mà hỏi bác Gúc Gồ thì chắc chắn đều có lời giải nhưng hiểu sâu, chiêm nghiệm về từng món trong đời sống, hiểu cách nó “vận hành” và tương tác với người sử dụng, hiểu nỗi lòng của con người với từng món của “đệ nhất khoái” lại đang thành “đệ nhất lo” này thì bác Gúc phải bó tay. Nhất là đưa ra phân tích, nhận định, hướng dẫn thật khách quan, cởi mở để mỗi người đọc tự lựa chọn thì phải là… Vũ Thế Thành.
Hai mươi năm trước, khi Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ) được thành lập, anh Thành đã có sáng kiến lập ra “Tổ tư vấn kỹ thuật” trả lời mọi thắc mắc trong sử dụng các vật dụng gia đình cho bạn đọc. Hồi đó, việc sửa cái xe gắn máy, cái máy tính để bàn, cái tủ lạnh, cái ổn áp, tivi… còn là việc khó và tổ tư vấn được bạn đọc tin cậy, sôi nổi theo dõi. Sau này, anh bắt đầu viết sâu về “Thực phẩm ngon và lành” và khi SGTT giải thể, anh lập tức cũng đã có mặt với Thế giới Tiếp Thị. Hiếm có cây bút không chuyên nào mà bút lực thâm hậu vậy, dù mỗi lần gặp anh đều phàn nàn “bắt tôi viết hoài khổ quá, không có thì giờ…” nhưng tôi biết, viết là nhu cầu của anh để trả món nợ đời không vay, huống chi “giữa đường thấy sự bất bình… thực phẩm độc, bẩn ngày càng nghiêm trọng”.
Tính khoa học trong những bài viết của anh Thành, ta có thể an tâm vì ngay cả ý kiến đi ngược đa số người đọc, mà tin là mình đúng, anh không ngại đương đầu và rồi cũng có khi lại nghe người đọc mà chỉnh sửa. Nhưng đọc bài anh, thấy “đã” và lắm khi xúc động trước tình cảm anh dành cho người đọc. Dù “ông thần” hóa học này toàn nói chuyện “trong chăn thấy rận” của người làm khoa học nhưng tất cả điều anh viết đều xuất phát từ cái tâm của một người thương đời mà đau đời.
Đọc một hơi các bài viết này đi bạn vì khó dừng ở một vài bài lắm, rồi nhẩn nha đọc lại từng bài, từng dòng vì thật có ích cuộc sống của bạn và gia đình. Đúng như vậy đó bạn, không thể bỏ qua không thụ hưởng món quá quý hiếm có này.

 

 

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)