Tập đoàn Dầu khí phản ứng mạnh mẽ với việc gọi thầu của Trung Quốc trên Biển Đông

Trao đổi với báo chí trong nước và quốc tế chiều 27/6, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu đã phản đối một cách mạnh mẽ việc Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu trên 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này hủy bỏ ngay lập tức hoạt động mời thầu sai trái này. 

Mời thầu ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Động thái này của PVN được đưa ra bốn ngày sau khi CNOOC công bố mời thầu 9 lô dầu khí trong chương trình hợp tác thăm dò khai thác năm 2012 với các công ty nước ngoài. Tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38 km2.

PVN cho biết, họ đã xác định vị trí các lô này dựa trên tọa độ mà CNOOC đưa ra và khẳng định, các lô đều nằm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PVN có đang khai thác từ lâu.

Số liệu trên bản đồ của PVN cho thấy, vị trí gần bờ nhất của các lô này chỉ cách bờ biển khu vực gần Nha Trang 57 hải lý, tương đương với 110 km. Một số vị trí gần bờ khác cũng chỉ ở khoảng cách dao động từ 60 đến 76 hải lý.

Điều này được ông Hậu khẳng định là “nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời là khu vực không có tranh chấp”.

“Đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông” – ông nói.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Giáo sư Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) đã trả lời Thông tấn xã Việt Nam bên lề Hội thảo quốc tế về Biển Đông đang diễn ra tại Washington (Hoa Kỳ) và cho rằng, “tất cả (các lô) đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” và Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô này. Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại.

Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cũng đánh giá rằng, đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc công khai mời thầu trên vùng biển Việt Nam và chắc chắn đã được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc.

Phản đối đến cùng

Trên cơ sở xác định vị trí các lô mà CNOOC chào thầu, PVN đã cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động sai trái này, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ dạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quôc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ông Đỗ Văn Hậu cũng kêu gọi “các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty dầu khí nước ngoài không tham gia chào thầu. Nếu họ bất chấp các ý kiến của chúng ta và ký hợp đồng với Trung Quốc, PVN sẽ phản đối đến cùng và cương quyết phản đối họ triển khai các hoạt động dầu khí tại vùng thềm lục địa của ta. Tôi tin rằng nhà nước ta cũng sẽ không cho phép triển khai các hoạt động này”.

Trên thực tế, PVN cũng từng có phản ứng mạnh mẽ trong vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 02 vào ngày 26/5/2011, khi con tàu này của PVN đang hoạt động tại lô 148, vùng biển giữa Nha Trang và Quy Nhơn. Đây cũng chính là một trong 09 lô dầu khí mà CNOOC mời thầu lần này.

Bản đồ 09 lô dầu khí mà Trung Quốc gọi thầu, nằm gần như trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, trong đó lô 148 là nơi đã xảy ra sự kiện Bình Minh 02 ngày 26.5.2011.

Không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của PVN

Ông Hậu cho biết, hiện PVN có 4 hợp đồng dầu khí đang được triển khai tại khu vực CNOOC mời thầu. Đó là hợp đồng ký với Gazprom – tổ hợp tập đoàn công nghiệp khí của Nga tại lô 129 đến132, ONGC –  công ty dầu khí quốc gia của Ấn Độ tại lô 128; Exxon Mobi tại lô 156, 159 mà phần phía bắc của nó dính vào chính lô TQ gọi thầu; và với tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam tại lô 148 – 149.

“Hoạt động dầu khí tại các khu vực này được tiến hành từ nhiều năm nay và hiện nay các kế hoạch thăm dò dầu khí tại khu vực này vẫn đang được tiếp tục” – ông nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng này và động thái trấn an nhà đầu tư nước ngoài của PVN, ông Hậu khẳng định: “Không có kế hoạch nào trong các hoạt động dầu khí của PVN bị ảnh hưởng bởi cái chúng ta gọi là “gọi thầu” của CNOOC. Tất cả các kế hoạch của chúng tôi vẫn tiến hành bình thường”.

Cũng trong cuộc họp báo này, PVN cũng tuyên bố về khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài, kể cả CNOOC và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc, trên các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trên thực tế, PVN và CNOOC đã ký kết và triển khai một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc các đối tác nước ngoài của PVN chịu sức ép từ phía Trung Quốc và phải rời đi, ông Hậu cho biết: “Trong một vài lần, các công ty dầu khí nước ngoài nhận được một vài ý kiến phản đối từ phía Trung Quốc. Ví dụ đối với ONGC tại lô 128. Nhưng tôi xin khẳng định rằng, các nhà thầu dầu khí khi ký hợp đồng dầu khí với PVN đều khẳng định chúng ta hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với tập tục quốc tế”.

“Trong ngành dầu khí, việc đi và đến là bình thường. Ngay cả PVN cũng có thể đến nước này đầu tư sau một thời gian không thành công chúng tôi cũng đi và đến nước khác. Ở Việt Nam cũng vậy. Rất nhiều công ty đã từng rút và rất nhiều công ty mới đang tới. Trong trường hợp BP, họ đã hoạt động ở Việt Nam nhiều năm và đang khai thác dự án tại mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và đường ống Nam Côn Sơn. BP đã thu hồi hết tiền vốn đầu tư và đã có lãi, tuy nhiên họ, dưới cách nhìn của một tổ hợp dầu khí lớn, khả năng mở rộng ở Việt Nam là không có nên họ đã chuyển dịch cơ cấu đầu tư và rút khỏi Việt Nam, bán tài sản của họ ở Việt Nam để đầu tư vào khu vực khác. Điều này cũng giống với hãng Conoco Philips, cũng đã bán tài sản và lại có một công ty lớn khác quay trở lại Việt Nam mua tài sản đó. Không riêng gì các công ty Mỹ, Anh đến, mà rất nhiều công ty lớn khác trong cộng đồng dầu khí quốc tế đang đến Việt Nam và chúng tôi đang tiếp tục thương thảo để ký các hợp đồng đầu tư lớn” – ông Hậu cho biết.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)