Tập huấn về đánh giá KH&CN với các chuyên gia Đức

Trong khóa tập huấn về “Đánh giá nghiên cứu” lần thứ nhất tại Hà Nội, các đại diện Việt Nam cho rằng Việt Nam thiếu kinh nghiệm hoạch định, đánh giá chính sách KH&CN dựa trên bằng chứng. Vì vậy học hỏi các nước có nền KH&CN phát triển như Đức về hệ thống đánh giá KH&CN là hoàn toàn cần thiết.  

Trong khuôn khổ nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) theo nghị định thư “Nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của CHLB Đức để nâng cao năng lực đánh giá các tổ chức và hoạt động KH&CN ở Việt Nam”, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và giáo dục Đức đã đồng tài trợ tổ chức khóa tập huấn về “Đánh giá nghiên cứu” lần thứ nhất tại Hà Nội từ ngày 18 tới 20 tháng 9. Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (VISTEC) là đơn vị đứng ra tổ chức. Khóa tập huấn nhằm giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách KH&CN, cán bộ phụ trách công tác KH&CN tại các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam nắm được những nội dung cơ bản về đánh giá nghiên cứu.

Khóa tập huấn với sự giảng dạy của các chuyên gia người Đức, chủ yếu đến từ Viện Nghiên cứu thông tin và đảm bảo chất lượng (iFQ) đã thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học và Bộ ngành có liên quan.

Mở đầu buổi tập huấn, Phó Viện trưởng VISTEC, bà Nguyễn Thị Thu Oanh đã trình bày tổng quan về hiện trạng đánh giá KH&CN tại Việt Nam hiện nay. Đánh giá KH&CN hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xây dựng chiến lược thông qua việc đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức với hệ thống KH&CN, hoạt động của các tổ chức nghiên cứu hiện nay cũng như nhận định nhu cầu, những vấn đề cần ưu tiên cải tiến…Hệ thống đánh giá KH&CN của Việt Nam đã có khung pháp lý là Luật KH&CN và các văn bản quy định hiện hành về việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thẩm định về mặt KH&CN với các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng cho đến nay, ngoài các quy trình đánh giá, thẩm định ở các tổ chức KH&CN, mới chỉ có duy nhất VISTEC (thành lập từ 2005) là một cơ quan chuyên biệt có chức năng nghiên cứu phương pháp và tổ chức thực hiện đánh giá hoạt động KH&CN. Điều này khác với các quốc gia phát triển, họ có nhiều tổ chức đánh giá hoạt động theo cơ chế thị trường (đánh giá theo đơn đặt hàng của các đơn vị khác có nhu cầu).

Trong điều kiện như vậy, hệ thống đánh giá KH&CN của Việt Nam mới ở trong giai đoạn bắt đầu, thiếu chuyên môn và tiềm lực; chưa có khung thể chế và phương pháp luận;  thiếu kinh nghiệm hoạch định, đánh giá chính sách dựa trên bằng chứng. Vì vậy, theo bà, việc học hỏi nước có nền KH&CN phát triển cao như Đức là điều thực sự cần thiết.

Các chuyên gia từ phía Đức cũng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển hệ thống đánh giá KH&CN. Theo TS. Micheal Braun, ở Đức có rất nhiều tổ chức định giá cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường, và điều này kích thích sự cạnh tranh lẫn nhau. Những tổ chức có nhiều uy tín, chuyên gia giỏi, chuyên môn tốt sẽ thu hút các đơn vị đặt hàng nhiều hơn và phát triển tốt hơn. Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu hình thành hệ thống đánh giá KH&CN cũng nên bắt đầu với cơ chế cạnh tranh này như là một kích thích tố.


GS. TS. Stefan Kulman: có sự sẻ chia về mặt kinh phí
giữa khu vực Nhà nước và tư nhân cho hệ thống đánh giá KH&CN ở Đức

Về mặt tổ chức, cơ chế tài chính đối với các đơn vị đánh giá, GS.TS. Stefan Kulman cho biết, ở Đức có sự liên kết, chia sẻ chi phí giữa khu vực công và tư cho hệ thống đánh giá KH&CN. Một số tổ chức như một cơ quan bán công, họ nhận được một phần kinh phí của Chính phủ để duy trì hoạt động, phục vụ các nhiệm vụ đánh giá mà Nhà nước giao nhưng bên cạnh đó họ cũng nhận các hợp đồng chương trình đánh giá, nghiên cứu từ các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Sự chia sẻ này một mặt giảm gánh nặng cho Nhà nước, một mặt thúc đẩy các tổ chức đánh giá phải có thực lực, thuê được chuyên gia giỏi.

Trong khóa tập huấn, các chuyên gia Đức sẽ tiếp tục trao đổi về lý thuyết, các loại hình, công cụ và phương pháp cơ bản trong đánh giá KH&CN; nguyên tắc và tiêu chuẩn đánh giá, các quy trình thực hiện đối với đánh giá nghiên cứu, đánh giá viện nghiên cứu; giới thiệu về việc sử dụng chỉ số trong thực hiện đánh giá KH&CN. Đại biểu tham gia đợt tập huấn sẽ cùng thực hành với các phương pháp, công cụ, chỉ số…cho đánh giá KH&CN cùng các chuyên gia.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)