Thảo luận về dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân mới đây đã có buổi làm việc với lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Hà Nội nhằm thảo luận về dự án đầu tư xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân, trong đó lò phản ứng nghiên cứu mới là thiết bị nghiên cứu chính sẽ được đầu tư.

Dưới đây là một số nội dung được thảo luận.

Chủ động đề xuất thiết kế lò phản ứng nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Việt Nam

Nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2009, Thủ tướng hai nước đã thống nhất việc Nga giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân với tổng kinh phí dự kiến là 500 triệu USD. Nếu như cách đây một số năm Viện NLNTVN phải suy nghĩ làm sao thuyết phục được lãnh đạo cho chủ trương đầu tư một trung tâm như vậy, thì bây giờ chính lãnh đạo Nhà nước đã chỉ đạo làm việc này, đã giao nhiệm vụ cho Viện NLNTVN. Đó là một thuận lợi, một thời cơ rất lớn của Viện NLNTVN. Dự án này nếu được thông qua sẽ là một dự án đầu tư rất lớn, có thể nói là lớn nhất hiện nay cho lĩnh vực KH&CN của Việt Nam.

Thiết bị nghiên cứu lớn của dự án được phía Nga đề xuất là một lò phản ứng nghiên cứu công suất khoảng 10 MW đa mục tiêu. Theo kinh nghiệm làm việc với phía ROSATOM trong thời gian qua thì thấy rằng phía Nga muốn Việt Nam nhận một lò phản ứng mà bạn đã có thiết kế sẵn, thậm chí là cả thiết kế xây dựng của Trung tâm họ cũng muốn làm luôn cho Việt Nam không xuất phát từ nhu cầu cũng như điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam cần chủ động đề xuất thiết kế lò phản ứng nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Việt Nam vì dự án này là nguồn kinh phí Việt Nam vay chứ không phải viện trợ không hoàn lại. Trong đàm phán với phía Nga cần có quan điểm của Việt Nam về lựa chọn thiết kế cho lò phản ứng cũng như cho Trung tâm mà chúng ta dự kiến xây dựng.

Không có liên hệ trực tiếp nào giữa đầu tư lò phản ứng nghiên cứu với dự án điện hạt nhân

Do các nghiên cứu về vật lý hạt nhân và cung cấp các số liệu phục vụ thiết kế lò năng lượng hạt nhân đã được thực hiện trong 3 thập niên 50-70, hiện không còn nhiều vấn đề nghiên cứu và đối với Việt Nam cũng không thật sự cần thiết có các nghiên cứu này nên một điều cần được làm rõ với lãnh đạo quốc gia là không có liên hệ trực tiếp nào giữa đầu tư lò phản ứng nghiên cứu với dự án điện hạt nhân, để tránh suy nghĩ lò phản ứng này sẽ trực tiếp phục vụ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nên cần phải xây gần với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo IAEA, ngày nay khi các nước quyết định xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới cần phải xem xét một cách đầy đủ các lợi ích về xã hội, kinh tế, và kỹ thuật. Đây là nhiệm vụ cần phải được thực hiện trước khi đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới cho Trung tâm KH&CN hạt nhân. Cần có sự hợp tác của các viện nghiên cứu, bệnh viện và trường đại học ở trong nước để khai thác sử dụng thiết bị nghiên cứu lớn của Trung tâm là lò phản ứng nghiên cứu vì một mình Viện NLNTVN cũng không có khả năng khai thác hết các tính năng của lò phản ứng trong các lĩnh vực vật liệu, sinh học, y học, khoa học sự sống và đào tạo cán bộ.

Địa điểm xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân phải gần các thành phố lớn

Địa điểm xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân là yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công của Dự án đầu tư. Với một lò phản ứng nhỏ và khả năng khai thác hạn chế như lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thì chỉ Viện NLNTVN cũng có thể bảo đảm khai thác hiệu quả các ứng dụng có thể có của lò phản ứng Đà Lạt. Tuy nhiên, với lò phản ứng mới công suất lớn với các khả năng khai thác sử dụng nhiều hơn thì một mình Viện NLNTVN không thể bảo đảm được việc khai thác hiệu quả các ứng dụng của chúng.


Vì vậy, địa điểm xây dựng cơ sở nghiên cứu mới phải có điều kiện để huy động sự hợp tác khai thác sử dụng của các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo ở trong nước. Như vậy thì địa điểm xây dựng cơ sở nghiên cứu mới phải gần các thành phố lớn, có nhiều viện nghiên cứu, bệnh viện lớn và các trường đại học.

Nhân lực có chất lượng là yêu cầu quan trọng của cơ sở nghiên cứu mới, là tiền đề cho việc bảo đảm thành công của dự án đầu tư. Muốn vậy, thì địa điểm xây dựng phải là nơi có sức thu hút các cán bộ giỏi đến sinh sống và làm việc.

Đây cũng là các tiêu chí quan trọng nhất đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân mà Viện NLNTVN cũng như Bộ KH&CN cần quan tâm.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)