Thiên tai tác động đến quyết định di cư như thế nào?
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai. Vậy những tác động này có khiến người dân ly hương và nếu trường hợp này xảy ra thì nhóm nào sẽ dễ di cư nhất?
Trong vòng chưa đầy 20 năm, Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 70 trận lũ lụt, dẫn tới 5.024 người thiệt mạng và 220.000 ngôi nhà bị phá hủy. Chỉ riêng năm 2020, lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng tại 5 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam đã khiến 106 người thiệt mạng, hơn 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh và thiếu ăn, hơn nửa triệu người không được tiếp cận với nước sạch, lũ lụt đã làm hư hại ít nhất 135.000 ngôi nhà. Đây là lý do nhóm nghiên cứu chúng tôi – Hoàng Xuân Trung, Nguyễn Thu Hương (Đại học Thương mại) và Trần Quang Tuyến (Trường Quốc tế, ĐHQG HN) – thực hiện nghiên cứu tìm hiểu về khía cạnh tác động này của thiên tai với hi vọng sẽ đem lại các khuyến nghị chính sách phù hợp cho từng nhóm nông hộ.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá thiên tai xảy ra trong 12 tháng qua có tác động khác nhau ra sao đến quyết định di cư của các hộ gia đình nông thôn, đồng thời đo lường tác động của thiên tai với các chỉ số phúc lợi hộ gia đình, như mức tiêu thụ lương thực, kiều hối và thiệt hại kinh tế.
Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu mảng cân bằng duy nhất gồm 1929 hộ gia đình được lấy từ ba cuộc khảo sát vào năm 2012, 2014 và 2016, kết hợp với mô hình kinh tế lượng. Kết quả cho thấy, thiên tai thực sự tác động vào tình trạng di cư của các hộ gia đình ở nông thôn sau một năm chịu thiên tai. Đáng chú ý, nghiên cứu phát hiện thiên tai có tác động khác nhau đối với các hộ gia đình, tùy theo sự phụ thuộc vào nông nghiệp (ít phụ thuộc, phụ thuộc trung bình và phụ thuộc nhiều). Cụ thể, thiên tai có tác động tới quyết định di cư của nhóm hộ có mức phụ thuộc trung bình vào nông nghiệp: nếu tăng thêm một đợt thiên tai thì xác suất có ít nhất một thành viên của một hộ gia đình di cư tăng 2,7%. Tương tự, thiên tai có tác động đến tiền gửi từ người di cư về cho người thân ở nhóm hộ phụ thuộc trung bình vào nông nghiệp và không có tác động với nhóm phụ thuộc nhiều hoặc ít vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, thiên tai làm giảm mức tiêu dùng lương thực với nhóm hộ phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp.
Lý giải về điều này, nhóm nghiên cứu cho rằng, các hộ gia đình phụ thuộc vào nông nghiệp ở mức độ trung bình có nhiều khả năng di cư như một chiến lược ứng phó nhằm đa dạng hóa nguồn kinh kế. Trong khi đó, với nhóm ít phụ thuộc hoặc phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp thì lại khác: nhóm phụ thuộc nhiều có xu hướng gắn bó với đất đai, ít lựa chọn và do đó ít có động cơ di cư hơn, mặc dù sinh kế của họ có thể bị suy giảm đáng kể do thiên tai. Còn lại, các cú sốc thiên tai không ảnh hưởng đến tình trạng di cư và phúc lợi của hộ gia đình ít phụ thuộc vào nông nghiệp.
Dựa trên những phát hiện rằng thiên tai có những tác động khác nhau đối với các nhóm khác nhau, phân tích của chúng tôi cho thấy, di cư là một chiến lược quan trọng để đối phó với thiên tai chỉ dành cho những người có thu nhập nông nghiệp ở mức trung bình, còn các hộ phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp sẽ càng dễ bị tổn thương hơn và rơi vào tình trạng nghèo đói.
Do đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các chính sách hỗ trợ sau thiên tai nên ưu tiên cho các nhóm phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, do nhóm này dễ bị tổn thương, ít cơ hội di cư và có nguy cơ tái nghèo cao hơn sau thiên tai. Các rào cản di cư tiềm ẩn gồm chi phí di cư, thiếu thông tin, không được đào tạo, thiếu kỹ năng lao động, cũng như thiếu khả năng tiếp cận các mạng xã hội ảnh hưởng tới quá trình di cư như một chiến lược đa dạng nguồn sinh kế của các nhóm nông hộ phụ thuộc vào nông nghiệp ở mức độ cao và trung bình.
Kết quả đã được xuất bản trên tạp chí Environment, Development and Sustainability1.
—-
1Tạp chí trong danh mục ISI (SCIE), https://link.springer.com/article/10.1007/s10668-023-03751-7