Thông tin tình hình sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I Nhật Bản (từ ngày 06/4 đến khoảng 15:00 ngày 07/4/2011)

Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 06/4 đến khoảng 15:00 ngày 07/4/2011.

1. TÌNH HÌNH Ở KHU VỰC NHÀ MÁY

Theo nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dựa trên mức độ bức xạ đo được bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép, TEPCO ước tính mức độ hư hỏng của các bó thanh nhiên liệu trong vùng hoạt các lò phản ứng của tổ máy số 1, 2 và 3 lần lượt là 70%, 30% và 25%.

Ngày 6/4, TEPCO bắt đầu bơm khí ni-tơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1. Khí ni-tơ được bơm vào sẽ thay thế oxi trong lớp bảo vệ và giảm thiểu khả năng nổ do hiđrô kết hợp với oxi. Sau đó cũng tiến hành việc này ở các tổ máy số 2 và 3.

Ngày 7/4, TEPCO đã đóng điện cho các thiết bị đo tại Tổ máy số 3.


Ảnh chụp nhà máy Fukushima I ngày 6/4 (Nguồn: Kyodo)

2. TÌNH HÌNH PHÓNG XẠ MÔI TRƯỜNG TẠI NHẬT BẢN

Một mẫu cá lấy ở vùng biển tỉnh Ibaraki trong ngày 4/4 đã đo được nồng độ Cs-134/Cs-137 cao hơn mức cho phép theo quy định của Nhật Bản.

Sau khi Chính phủ Nhật cho phép thải nước nhiễm xạ mức thấp xuống biển vào ngày 4/4, nồng độ phóng xạ trong nước biển đã tăng nhẹ. Cụ thể như sau:

 

Thời gian

(giờ Nhật Bản)

Nồng độ phóng xạ I-131

(kBq/l)

Nồng độ phóng xạ Cs-134/Cs-137

(kBq/l)

18:00 (4/4)

11

5,1

21:00 (4/4)

41

19

3. TÌNH HÌNH PHÁT TÁN PHÓNG XẠ VÀO MÔI TRƯỜNG

Số liệu quan trắc hạt nhân phóng xạ của CTBTO so với các ngày trước không có thay đổi nhiều: Trạm PHP52 tại Phillipines ghi nhận được I-131 là 79 µBq/m3, Cs-137 là 63 µBq/m3, và có thêm một số hạt nhân phóng xạ khác; trạm MYP42 tại Malaysia ghi nhận được I-131 khoảng 4 µBq/m3, và phát hiện thêm hạt nhân phóng xạ từ phản ứng kích hoạt neutron Zn-65 với nồng độ rất thấp.

Trong ngày 7 và 8/3, theo dự đoán mây phóng xạ tại Đông Nam Á tiếp tục lan dần đến Việt Nam, tiến gần đến địa bàn thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và có xu hướng nhỏ dần khi tiến vào khu vực miền Bắc. Tuy vậy, nồng độ hạt nhân phóng xạ vẫn rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Số liệu đo thực tế tại Việt Nam sẽ được cung cấp hàng ngày trong bản tin của Tổ Công tác. (Xem cụ thể tại Phụ lục)

Tại Việt Nam, theo số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam:

– Trong son khí lấy tại Đà Lạt, chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất);

– Trong son khí lấy tại Thành phố Hồ Chí Minh và Lạng Sơn, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7, K-40, Th-232 và U-238; còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131, Cs-134 và Cs-137, ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường (xin xem giải thích ở Bản tin ngày 28/3 – 29/32011 của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1).

Kết quả đo tại trạm quan trắc thuộc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 07/4/2011 so với ngày 06/4/2011.

(Số liệu cụ thể xem tại Phụ lục)

Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.

PHỤ LỤC
                                                     Nguồn:  Bộ Khoa học và Công nghệ

Tác giả