Thông tin tình hình sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I Nhật Bản (từ ngày 10/4 đến khoảng 15:00 ngày 11/4/2011)
Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 10/4 đến khoảng 15:00 ngày 11/4/2011.
Tiếp tục bơm khí ni-tơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1,do vậy áp suất bên trong lớp bảo vệ tăng nhẹ.
Mực nước nhiễm phóng xạ cao trong máng bê tông gần Tổ máy số 2 tiếp tục tăng thêm 12 cm kể từ khi lỗ rò rỉ nước ra biển được bịt lại, và từ 10/4, đã bắt đầu chuyển nước nhiễm xạ này từ máng sang bể ngưng tụ của Tổ máy số 2.
Sau trận động đất ngày 7/4, nguồn cấp điện ngoài đã được khôi phục tại tất cả các cơ sở hạt nhân, và nước trào ra từ bể chứa nhiên liệu đã cháy của nhà máy điện hạt nhân Onagawa đã được dọn sạch.
2. TÌNH HÌNH PHÓNG XẠ MÔI TRƯỜNG TẠI NHẬT BẢN
Mức độ phóng xạ trong nhà máy trong ngày 10 và 11/4 tiếp tục giảm (Xem cụ thể tại Phụ lục)
Giá trị suất liều gamma đo được ngày 9/4 tại tất cả 47 tỉnh và ở phía Đông tỉnh Fukushima tiếp tục giảm: Tại khu vực cách nhà máy hơn 30 km dao động từ 0,2-2,6 µSv/h; tại 19 thành phố dưới 0,1 µSv/h; tại 7 thành phố khác dao động từ 0,13-0,21 µSv/h; tại thành phố Fukushima cao nhất là 0,46 µSv/h. (Mức phông phóng xạ môi trường thông thường dao động từ 0,05-0,1 µSv/h).
Ngày 9/4, IAEA tiếp tục đo tại 8 địa điểm trong khu vực cách nhà máy từ 32-62 km về hướng Bắc và hướng Tây Bắc. Kết quả đo suất liều gamma dao động từ 0,4-3,7 µSv/h; đo nhiễm bẩn beta-gamma dao động từ 0,03-0,19 MBq/m2.
Ngày 9/4, lượng phóng xạ ở mức thấp đã được phát hiện trong đất tại 5 tỉnh (I-131 với giá trị dao động từ 7,8-650 Bq/m2) và 6 tỉnh (Cs-137 với giá trị dao động từ 3,3-370 Bq/m2). Giá trị cao nhất đối với cả I-131 và Cs-137 đo được tại tỉnh Ibaraki.
3. TÌNH HÌNH PHÁT TÁN PHÓNG XẠ VÀO MÔI TRƯỜNG
Số liệu quan trắc hạt nhân phóng xạ của các trạm thuộc CTBTO chưa cho thấy có sự thay đổi đột biến nào: Trạm JPP37 tại đảo Okinawa (Nhật Bản) vẫn phát hiện được I-131 và Cs-137 nhưng giảm hơn so với mấy ngày trước; trạm PHP52 tại Phillipines ghi nhận được I-131 và Cs-137; trạm MYP42 tại Malaysia phát hiện thấy I-131, CS-134 và Cs-137 với nồng độ thấp.
Tại Việt Nam:
Trong son khí ở Hà Nội do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đo đạc, ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo ở mức rất thấp: I-131, Cs-134 và Cs-137, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Trong son khí ở Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất); còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo ở mức rất thấp: I-131, Cs-134 và Cs-137, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 11/4/2011 so với giá trị từ ngày 1/4/2011 tới ngày 10/4/2011.
(Số liệu cụ thể xem tại Phụ lục)
* * *
Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.
PHỤ LỤC
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ