Thực hiện Chiến lược KH&CN quốc gia: Cần bắt đầu từ khảo sát thực trạng
Ngày 15/8 tại Hà Nội, Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia đã có phiên họp thường kỳ thứ hai, trong đó chủ yếu thảo luận về các vấn đề và giải pháp thực hiện Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.
Nội dung thảo luận chính về Chiến lược xoay quanh sáu mục tiêu mà Chiến lược đề ra, bao gồm: mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới; mục tiêu đến năm 2020 yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế; nâng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào 2020; mục tiêu đến năm 2015 số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 9-10 người/vạn dân và đến 2020 đạt 11-12 người/vạn dân; mục tiêu đạt 30 tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới vào 2015 (60 tổ chức vào 2020), 3000 doanh nghiệp KH&CN vào 2015 (đạt 5.000 doanh nghiệp vào 2020), 30 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao vào 2015 (60 cơ sở vào 2020); đổi mới cơ chế sử dụng kinh phí Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho KH&CN.
Đa số các ý kiến nhất trí rằng để thực hiện thành công chiến lược trước hết cần có những báo cáo thực trạng với các con số thống kê đáng tin cậy liên quan tới các mục tiêu mà Chiến lược đã đặt ra. Trên cơ sở kết quả thống kê khảo sát này mới có thể nhìn rõ những khó khăn, vướng mắc và tập trung nguồn lực vào từng mục tiêu cụ thể để thực hiện Chiến lược thành công. Công việc này cần được tiến hành khẩn trương, vì chỉ còn hai năm nữa (năm 2015) là đã tới lúc phải báo cáo sơ kết trước Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược.
Một số thành viên Hội đồng đã đưa ra những góp ý thẳng thắn về Chiến lược. GS.TS Hồ Sỹ Thoảng cho rằng mục tiêu đến năm 2020 một số lĩnh vực KH&CN của Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN là hết sức khó khăn, vì “trong nền kinh tế thị trường, trình độ phát triển của nền kinh tế mới là yếu tố quyết định trình độ phát triển của khoa học và công nghệ”, và ông nhận định đến năm 2020 Việt Nam vẫn chưa thể đuổi kịp các nước dẫn đầu ASEAN về phát triển kinh tế.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu thẩm định và phản biện hỗ trợ Nhà nước xét duyệt các dự án đầu tư phải được coi là một nhiệm vụ KH&CN quan trọng của Chiến lược. Trong bối cảnh lâu nay không ít các nghiên cứu khả thi các dự án đầu tư lớn của Nhà nước và xã hội được thực hiện một cách thiếu nghiêm túc, và những báo cáo nghiên cứu tác động môi trường còn chưa đúng luật, ông cho rằng hoạt động nghiên cứu thẩm định và phản biện nếu được làm tốt sẽ giúp tiết kiệm cho quốc gia hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến những lợi ích trực tiếp khác cho xã hội và môi trường.
Với tư cách là khách mời tại cuộc họp của Hội đồng, TS. Lê Đăng Doanh góp ý rằng những đổi mới hoạt động KH&CN đáng lẽ phải đóng vai trò quan trọng trong các chương trình, kế hoạch tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế của Nhà nước, nhưng đáng tiếc cho đến nay vẫn hầu như vắng bóng. Ông đề xuất các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và các địa phương đều cần được đặt ra những tiêu chí đánh giá cụ thể, trong đó có những tiêu chí phản ánh vai trò động lực then chốt của KH&CN – ví dụ như tiêu chí về số lượng nhân lực KH&CN và mức đầu tư R&D tại các địa phương, doanh nghiệp Nhà nước – làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát chéo. TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh lâu nay các cơ quan Nhà nước thường đưa ra quá nhiều các mục tiêu và kế hoạch nhưng do công tác giám sát chéo bị thả lỏng nên dẫn đến sự kém hiệu quả và tiêu cực, lãng phí.
Ngoài phần thảo luận về Chiến lược, Hội đồng còn dành buổi chiều ngày 15/8 cho một số nội dung chuyên đề quan trọng khác. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã báo cáo chuyên đề Phát triển nhiên liệu sinh học ở nước ta: chặng đường 5 năm đầu tiên đầy chông gai, trong đó phản ánh một số thách thức trong việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2025 theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như việc thất bại trong phát triển vùng nguyen liệu sản xuất diesel sinh học, và tình hình hoạt động cầm chừng của các nhà máy sản xuất ethanol.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân báo cáo chuyên đề về tác động của các đập ngoài biên giời Việt Nam trên 3 sông lớn: song Đà, song Hồng, sông Mekong. Ông đưa ra những lo ngại và cảnh báo về nguy cơ các con đập này đối với an ninh lương thực, an ninh quốc phòng, những tác hại về thủy văn, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, và các ngành thủy – hải sản. GS. Trân đề nghị Nhà nước cho triển khai những nghiên cứu sâu, nhằm đưa ra được những cơ sở lý luận khách quan, khoa học, có cứ liệu cụ thể, phục vụ cho sách lược đối phó trong nước và công tác đàm phán, đấu tranh ngoại giao.
Trong phiên họp ngày 16/8, Hội đồng sẽ thảo luận với lãnh đạo Bộ KH&CN về công tác triển khai thực hiện Luật KH&CN sửa đổi.