Tiếp nhận 12 nghìn tài liệu, hiện vật của GS.TS Phạm Đức Dương

12.000 tài liệu, hiện vật này không chỉ thể hiện cuộc đời và sự nghiệp của GS Phạm Đức Dương mà còn giúp tìm hiểu về cuộc đời của nhiều nhà khoa học có quan hệ với ông như Phan Ngọc, Từ Chi, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Bích Hà…  

Vào ngày 17/10 tới, Trung tâm Di sản nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp nhận 12.000 tài liệu, hiện vật của GS.TS Phạm Đức Dương từ gia đình nhân dịp 85 năm ngày sinh của ông (1930 – 2015).

GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm KKHXN&NV Việt Nam), là một trong những nhà khoa học đầu tiên ủng hộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam từ những ngày đầu thành lập. Ông cũng đã dành nhiều thời gian và tâm sức để chia sẻ với các nghiên cứu viên về cuộc đời hoạt động khoa học và giảng dạy của mình. Không những vậy, ông còn tin tưởng trao tặng cho Trung tâm nhiều tài liệu hiện vật quý.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, GS. TS Phạm Đức Dương tốt nghiệp đại học năm 1963 và về công tác tại Ban Ngữ âm – Ngôn ngữ dân tộc, Viện Ngôn ngữ học. Năm 1967, ông được cử đi thực tập tại Liên Xô và sau đó bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngôn ngữ học với đề tài “Hệ thống thanh điệu và thanh phổ của nguyên âm tiếng Lào hiện đại (tài liệu thực nghiệm)” tại Viện Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Năm 1973, PTS Phạm Đức Dương được phân công sang Ban Đông Nam Á vừa thành lập và trở thành viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á năm 1983. Trong hơn 10 năm làm Viện trưởng, ông tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, xây dựng hệ thống chuyên đề và triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu. Ông tổ chức sưu tầm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam Á, tập hợp được một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, trong đó có những người có uy tín khoa học cao như Nguyễn Từ Chi, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo… Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư Ngôn ngữ học năm 1991.

GS.TS Phạm Đức Dương đã có nhiều đóng góp trên cả ba phương diện, nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học và đào tạo cán bộ khoa học. Vì vậy, bộ sưu tập tài liệu lịch sử cuộc đời ông là một khối tài liệu lớn và quý, với hơn 12.000 tài liệu, gồm các sổ ghi chép thực địa, bản thảo, thư từ, phiếu điều tra ngôn ngữ, bài viết, ảnh tư liệu, sách báo, tạp chí… Những tài liệu này không chỉ thể hiện về cuộc đời và sự nghiệp của GS Phạm Đức Dương, mà còn có nhiều giá trị để tìm hiểu về lịch sử xây dựng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, về ngành Đông Nam Á học ở Việt Nam, hay về nhiều nhà khoa học có quan hệ với GS Phạm Đức Dương như Phan Ngọc, Từ Chi, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Bích Hà… 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)