Tiếp nhận tư liệu, hiện vật của cố GS Nguyễn Văn Chiển

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết ngày 2/11 tới đây sẽ tổ chức lễ tiếp nhận bộ sưu tập tư liệu hiện vật của cố GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển (1919-2009), nhà địa chất hàng đầu đã chủ trì nhiều chương trình khoa học lớn của đất nước, và người thầy đáng kính trong ngành địa chất Việt Nam.

Trung tâm đã tiếp cận nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hiện vật của GS Nguyễn Văn Chiển từ năm 2009. Rất không may là chỉ một thời gian ngắn sau đó, Giáo sư qua đời.

Thể theo nguyện vọng của Giáo sư lúc sinh thời, mới đây, gia đình GS Nguyễn Văn Chiển quyết định trao tặng toàn bộ khối tài liệu hiện vật cá nhân của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ và phát huy giá trị.

Đây là một bộ sưu tập tư liệu quý không chỉ liên quan đến lịch sử cuộc đời của GS Nguyễn Văn Chiển mà còn có ý nghĩa đối với nhiều vấn đề lịch sử ngành địa chất Việt Nam, vấn đề phát triển kinh tế- xã hội như nghiên cứu Tây Nguyên, phát triển giáo dục… Bộ sưu tập với gần 2.500 tư liệu, chủ yếu là tư liệu gốc gồm các sổ ghi chép, nhật ký địa chất, bản thảo công trình nghiên cứu, bài viết, ảnh tư liệu, hiện vật khối… được lưu giữ từ sau 1945 đến nay.

GS Nguyễn Văn Chiển bước vào nghề giáo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Trong kháng chiến, ông dạy tại các trường Cao đẳng khoa học, Trung hoc kháng chiến ở Phú Thọ, Trường Sư phạm trung cấp Trung ương và sau về công tác tại Ban Tu Thư của Bộ Giáo dục để biên soan sách giáo khoa. Ông có nhiều đóng góp trong đào tạo cán bộ nghiên cứu địa chất…

Dưới sự dìu dắt của GS Nguyễn Văn Chiển, nhiều thế hệ  sinh viên từ các khóa đầu tiên tại Đại học Bách khoa và Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trở thành những nhà địa chất uy tín như: Phan Trường Thị, Phạm Văn Tỵ, Đặng Vũ Khúc, Trần Nghi, Mai Trọng Nhuận …

GS Nguyễn Văn Chiển nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về thạch học các đá magma, đá bazơ và đá siêu bazơ, về địa lý lãnh thổ. Trên cương vị Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, ông đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu khoa học lớn của Nhà nước, trong đó có Chương trình Tây Nguyên I (1976-1980) và Chương trình xây dựng bản đồ quốc gia Việt Nam (1981-1985). Ông là Ủy viên Thường trực Hội đồng chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)