Tọa đàm “Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?”

Các nhà khoa học sẽ cùng thảo luận về nhiều nghiên cứu xoay quanh ô nhiễm không khí ở Hà Nội thời gian qua và những kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí mà Hà Nội có thể cân nhắc.

“Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?” 

Đó là câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu những người sống ở Hà Nội vài năm trở lại đây, khi thường thấy hiện tượng bụi mù mịt trên nhiều tuyến đường, kể cả nội đô lẫn vành đai, và chỉ số chất lượng không khí AQI với mức cảnh báo nguy hại sức khỏe, mà chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng đây thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời…

Chúng ta vẫn cho rằng mình hiểu rất nhiều về câu chuyện ô nhiễm không khí, nhưng ít khi nhận ra rằng đây là một bức tranh lớn mà ta đang thiếu rất nhiều mảnh ghép. Thậm chí, nhiều suy nghĩ của chúng ta về ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng chưa thật rõ ràng. 

Chúng ta có biết Hà Nội ô nhiễm từ bao giờ? Có phải từ khi năm ngoái, Hà Nội lọt vào “Top 10 thủ đô ô nhiễm nhất thế giới” trong bảng xếp hạng của AirVisual và đôi khi được truyền thông gọi tên là thành phố “ô nhiễm nhất thế giới” (mặc dù xếp hạng cao nhất theo ngày thực sự không có nhiều ý nghĩa)? Tình trạng không khí ở Hà Nội có ngày càng xấu đi? Hà Nội ô nhiễm những chất gì? Giao thông hoặc nhiệt điện có phải là nguồn gây ô nhiễm chính? Làm thế nào để “quan sát” được ô nhiễm không khí và những công cụ gì để đánh giá ô nhiễm không khí mà chính quyền và người dân có thể sử dụng dễ dàng?…

Rộng hơn nữa, chúng ta muốn bàn về giải pháp. Liệu Hà Nội có đặt ra được những cam kết tham vọng như Băng Cốc, Bắc Kinh hay Luân Đôn trong việc cải thiện bầu không khí trong lành hơn và tiến tới việc thoát ra khỏi những bảng xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới? Điều gì đang thách thức những nỗ lực đó và ai sẽ là người có trách nhiệm chính trong công cuộc làm sạch bầu không khí thủ đô?

Tất cả sẽ được gợi mở trong buổi tọa đàm “Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?” với sự tham gia của TS. Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam), TS. Nghiêm Trung Dũng (Viện Khoa học & Công nghệ môi trường, ĐH Bách Khoa Hà Nội) và TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường – FIMO, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Các nhà khoa học sẽ cùng thảo luận về nhiều nghiên cứu xoay quanh ô nhiễm không khí ở Hà Nội, trong đó có Bản đồ mới nhất về ô nhiễm không khí Hà Nội năm 2019, các cách tiếp cận khoa học và kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí mà Hà Nội có thể cân nhắc.

Thời gian: 14h00-16h30, thứ Bảy, ngày 9/1/2021. (Đón khách từ 13h45)

Địa điểm: Cafe Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội 

        (Đồng thời Livestream trên fanpage Tia SángThế Hệ Xanh)

Độc giả đăng ký tham dự tọa đàm tại đây: http://bit.ly/dangkytoadamONKK 

Đây là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi sự kiện “Ô nhiễm không khí và trách nhiệm của chúng ta” do Tia Sáng cùng Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP), Trung tâm Sống và Học tập Vì môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đồng tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Đại diện BTC cho biết sẽ có các chuyên gia trong và ngoài nước được mời để cùng thảo luận về các khía cạnh của ô nhiễm không khí liên quan đến sức khỏe, kinh tế, xã hội, từ đó đưa ra các khuyến nghị./.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)