Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano: Nhiều nước vẫn tin tưởng vào điện hạt nhân
Tại cuộc họp báo sáng 9/1 ở Hà Nội, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đưa ra lời khuyên, với một dự án lớn và sẽ được khai thác trong nhiều thập kỷ như Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận của Việt Nam thì điều quan trọng không phải là mất bao nhiêu thời gian chuẩn bị khởi công mà là chuẩn bị như thế nào.
Không cần phải vội
Ông Yukiya Amano cho biết, thông thường các nước mất khoảng từ 10 đến 15 năm kể từ ngày lên kế hoạch cho một dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đến khi khởi công, nhưng nhìn chung cũng có thể nói không có khung thời gian cố định nào. “Thời gian không phải là vấn đề chính. Lời khuyên của tôi với Dự án NMĐHN Ninh Thuận là Việt Nam cần chuẩn bị thật cẩn thận, kỹ lưỡng các bước và tham vấn với IAEA.” Ông cho rằng, với một dự án lớn và sẽ được khai thác trong nhiều thập kỷ như Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thì “không cần phải vội”.
Theo ông Yukiya Amano, hiện có khoảng 30 nước trên thế giới đang sử dụng điện hạt nhân và nhiều nước khác đang xây NMĐHN, trong số đó không phải chỉ mình Việt Nam thiếu kinh nghiệm. Quan điểm của IAEA là không chỉ các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển cũng có quyền tiếp cận điện hạt nhân, bởi vậy tổ chức này bằng nhiều cách đã hỗ trợ các nước chưa có kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân một cách an toàn và bền vững, chẳng hạn như đưa ra bộ hướng dẫn gồm 19 bước chuẩn bị hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, tài liệu hướng dẫn này chỉ mang tính chất tham khảo, Việt Nam phải tự đánh giá thực trạng của mình, sau đó tham vấn với IAEA, và quá trình tham vấn phải diễn ra liên tục để việc phát triển điện hạt nhân an toàn nhất, ông Yukiya Amano nói.
Ông cho biết Việt Nam đã tham vấn IAEA ngay từ khi có ý định phát triển điện hạt nhân và sau hai lần cử đoàn công tác đến Việt Nam đánh giá hạ tầng cơ sở phát triển điện hạt nhân vào năm 2009 và 2012, IAEA kết luận Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về năng lượng nguyên tử, xây dựng văn bản luật, và đào tạo nhân lực.
Các NMĐHN an toàn hơn sau thảm họa Fukushima
Theo ông Yukiya Amano, sau sự cố Fukushima hồi tháng 3/2011, lòng tin của cộng đồng quốc tế vào điện hạt nhân suy giảm nghiêm trọng, chẳng hạn như nước Đức đã đẩy nhanh quá trình chấm dứt sử dụng điện hạt nhân, còn một số nước thì cho rằng phát triển điện hạt nhân là từ bỏ tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nước tin tưởng rằng điện hạt là giải pháp bảo đảm an toàn năng lượng mà không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giá thành lại không biến động nhiều như năng lượng hóa thạch. Ông Yukiya Amano cho biết, IAEA dự báo, đến năm 2030, điện hạt nhân vẫn tăng trưởng ít nhất 17% và cao nhất có thể lên đến 94%, tức là gần gấp đôi, trên toàn thế giới và trung tâm phát triển điện hạt nhân sẽ nằm ở châu Á.
Sau sự cố Fukushima, theo ông Yukiya Amano, các nước đã hiểu hơn tầm quan trọng của yêu cầu an toàn đối với NMĐHN. Các nước châu Âu đều đã tiến hành kiểm tra khả năng chống chịu của NMĐHN trước các thảm họa như động đất, sóng thần, lũ lụt, lốc xoáy và khi thấy cần phải tăng cường yếu tố an toàn nào để ngăn ngừa thảm họa là họ thực hiện ngay. “Các nhà máy điện trở nên an toàn hơn sau thảm họa Fukushima,” ông kết luận.
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 7-11/1/2014. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của người đứng đầu IAEA, chuyến thăm trước đó vào tháng 10/2011.
Chuyến thăm lần này của ông Yukiya Amano nhằm đánh giá hiệu quả các dự án tài trợ của IAEA cho Việt Nam cũng như trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và Chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam nói riêng.
Chiều nay, 9/1, ông Yukiya Amano đến thăm khu xạ trị ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và ngày mai, ông sẽ có mặt tại địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận.
Những năm gần đây, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án ứng dụng năng lượng nguyên tử vào điều trị ung thư, quản lý nước, trừ sâu bọ cho thanh long, và đặc biệt trong việc tư vấn cho Chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam xét trên các khía cạnh xây dựng văn pháp luật và cơ quan pháp quy, đào tạo nhân lực, an toàn hạt nhân, với tổng kinh phí cho hai năm 2012 – 2013 là 1 triệu euro.
Ông Yukiya Amano đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và IAEA “đang tốt đẹp và tiếp tục được tăng cường”. |