Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus đã chắc chắn trúng cử trong cuộc bầu cử sắp tới

Sau hai năm ngổn ngang đại dịch, Tổng giám đốc đương nhiệm Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chắc chắn trúng cử trong cuộc bầu cử sắp tới, bởi hiện tại ông là ứng cử viên duy nhất được các nước gửi lòng tin.

Vào tháng tư năm ngoái, WHO đã gửi thư mời các nước đề cử ứng viên tiềm năng cho vị trí tổng giám đốc. Và đến ngày 28/10, WHO cho biết “ứng cử viên duy nhất đã được các quốc gia thành viên đề cử trước hạn chót ngày 23/9/2021: tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc đương nhiệm”.
Đây không phải là lần đầu tiên có một tổng giám đốc WHO tranh cử nhiệm kỳ thứ hai mà không có đối thủ nào ‘ngáng đường’. Thông thường, một số quốc gia sẽ đề xuất các ứng cử viên vào năm trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Các cuộc bầu cử được tổ chức 5 năm một lần tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng năm, một cuộc họp thường niên của các đại biểu từ các quốc gia thành viên của WHO. Năm nay, Tedros là ứng cử viên duy nhất, với 28 quốc gia thành viên – bao gồm một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức và ba quốc gia châu Phi – đồng lòng ủng hộ ông.
“Chính phủ chúng tôi tin tưởng rằng Tiến sĩ Tedros, Tổng giám đốc đương nhiệm của WHO, là lựa chọn lý tưởng để tiếp tục sứ mệnh này”, thư ký nội các Kenya Mutahi Kagwe viết trong một lá thư đề cử .
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Nga và khoảng 160 quốc gia khác không đề cử ai. Các nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu chia sẻ với Nature rằng có thể sẽ có một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhỏ dành cho Tedros, để chắc chắn rằng sẽ không có đối thủ nào cạnh tranh cho vị trí này, hoặc để nhìn nhận lại tình hình thực tế của đại dịch. Amanda Glassman, phó chủ tịch điều hành tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington DC, cho biết: “Nói chung, trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra căng thẳng, bạn sẽ không muốn có bất kỳ sự thay đổi nào ở vị trí lãnh đạo.”
Tạo dựng niềm tin
Năm 2017, Tedros đã giành chiến thắng trước năm ứng cử viên khác trong cuộc bầu cử tổng giám đốc, trở thành người châu Phi đầu tiên lãnh đạo WHO kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1948. Ông nhanh chóng ghi dấu ấn bằng cách thành lập bộ phận khoa học đầu tiên của WHO và bằng cách mở rộng chương trình ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe khác. Những cải cách này đã được đưa vào thử nghiệm gần như ngay lập tức trong đợt bùng phát dịch Ebola ở CHDC Congo vào năm 2018, nơi WHO đã túc trực trong hai năm, hỗ trợ tiến hành các nghiên cứu để thử nghiệm vaccine Ebola mới và các phương pháp điều trị bệnh tật.
Bước ngoặt lớn xảy đến khi Trung Quốc ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân ở các cơ sở y tế tại thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019. Trong suốt những năm sau đó, cộng đồng y tế toàn cầu luôn theo dõi sát sao các động thái mới của WHO – hay cũng chính là của Tedros. “Ông ấy đã đề cập rõ ràng về sự cần thiết của việc tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, rằng sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine càng kéo dài thì đại dịch cũng sẽ chưa thể kết thúc”, Tom Bollyky, Giám đốc y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington DC, cho biết. Tháng trước, các nhà nghiên cứu đã bày tỏ sự hoan nghênh đối với nỗ lực của Tedros nằm thuyết phục 194 quốc gia thành viên của WHO thông qua nghị quyết xây dựng hiệp ước quốc tế phòng, chống đại dịch. Hiệp ước này sẽ quy định cách các quốc gia ngăn chặn, ứng phó với các đợt bùng phát trong tương lai.
Ông cũng đã cam đoan sẽ tiến hành cải tổ WHO – đây là điều mà chính phủ các nước lẫn các nhà nghiên cứu y tế toàn cầu kêu gọi sau khi họ đánh giá hoạt động của WHO trong đại dịch này. “Công việc của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành,” Tedros viết trong một thông cáo bày tỏ nguyện vọng tái đắc cử. “Sau khi chứng kiến ​​cách mà thế giới ứng phó với đại dịch, tôi đã hiểu về các động lực đã dẫn dắt chúng ta đến vị trí hiện tại.”
Tiếp tục công việc dở dang
Nhiệm kỳ thứ hai của Tedros chắc chắn sẽ không hề dễ dàng. Trong năm đầu tiên của đại dịch, một số nhà nghiên cứu đã chỉ trích sự chậm trễ của WHO trong việc đưa ra cảnh báo SARS-CoV-2 có thể lây lan trong không khí, và một số nhà lãnh đạo đã đổ lỗi cho WHO vì đã không cứng rắn hơn với Trung Quốc khi quốc gia này thiếu minh bạch trong việc báo cáo sớm các ca bệnh và trong quá trình hợp tác để điều tra nguồn gốc COVID-19. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào tháng 5/2020, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi WHO vì tổ chức này đã quá ‘khoan hồng’ với Trung Quốc, dù có nhiều chứng cứ cho thấy nước này cố tình che đậy tình hình dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán (Chính quyền của Tổng thống J. Biden vào năm ngoái đã rút lại quyết định từ bỏ tư cách thành viên WHO của Mỹ dưới thời kỳ của chính quyền tiền nhiệm). Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc thì tỏ ra bất bình với Tedros sau khi ông phát biểu rằng Trung Quốc nên cho phép tiến hành các cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của SARS-CoV-2, bao gồm cả khả năng nó bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở nước này.
Bất chấp những mâu thuẫn, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không đề cử bất kỳ ai nhằm ‘lật đổ’ Tedros. Bollyky gợi ý một lý do, có thể là các nhà lãnh đạo trên thế giới hiểu rõ tình hình thực tế của WHO. Cơ quan này có rất ít quyền lực để thực thi các khuyến nghị của mình, và việc chỉ trích mạnh mẽ các quốc gia thành viên có quyền lực đã được chứng minh là không mang lại hiệu quả.
Điểm lạ lùng trong lần ứng cử nhiệm kỳ thứ hai của Tedros, đó là quê hương của ông, Ethiopia, đã không đề cử ông. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể bắt nguồn từ việc Tedros đã đề cập đến cuộc xung đột ngày càng tồi tệ giữa Chính phủ Ethiopia và người dân ở vùng Tigray – phía Bắc đất nước, và cũng là quê hương ông. “Tôi lo lắng cho số phận đất nước mình,” ông nói trong một cuộc họp báo của WHO vào ngày 28/12. “Tôi có nhiều người thân ở đó, bao gồm cả em trai tôi, và tôi không biết họ đang ở đâu”.
Trang Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)