TP.HCM: Xây dựng quy trình khép kín cho ngành công nghiệp vi mạch

Ngày 15-3, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch (chíp điện tử) giai đoạn 2013 – 2020.

Chương trình được thành lập từ năm 2012 gồm 5 đề án: đào tạo nhân lực vi mạch; ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng; phát triển thị trường vi mạch điện tử; thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch; nghiên cứu xây dựng, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM; hai dự án Design house và xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch. Các Chương trình được liên kết với các chương trình phát triển công nghệ của quốc gia như phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ…

Chương trình sẽ xây dựng quy trình khép kín và đồng bộ cho ngành công nghiệp vi mạch TP.HCM với các khâu đào tạo, thiết kế, chế tạo chip và sản xuất ứng dụng, kinh doanh và quảng bá sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình phát triển của đất nước. Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử, viễn thông sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm này sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng từ 15 – 30%. Công nghiệp vi mạch TP.HCM sẽ phát triển để trở thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao (20- 30%), làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình CNH – HĐH của thành phố… Ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực này. Chương trình sẽ xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng về thiết kế vi mạch và các sản phẩm liên quan cho thành phố….

Thời gian vừa qua, Chương trình đã được triển khai một cách nhanh chóng và đồng bộ. Đề án thiết kế và sản xuất thử nghiệm đã được Sở KH&CN hoàn tất chương trình, thành lập Ban chủ nhiệm và đang triển khai từ năm 2013. Cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất đã được phát động từ tháng 1/2013. Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM vừa mới được thành lập ngày 15/3/2013 và đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Nhật Bản và Hội Công nghệ bán dẫn Singapore về phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn,…

Trong năm 2013, Chương trình sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác Nhật Bản xây dựng và triển khai dự án nghiên cứu về sản phẩm chip có tính thương mại và hàm lượng công nghệ cao. Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong nước cho ra đời sản phẩm vi mạch ứng dụng cho giao thông và các sản phẩm thiết kế, chế tạo tại Việt Nam như linh kiện vi cân tinh thể thạch anh, cảm biến áp suất, cảm biến gia tốc,…

Cũng trong ngày 15/3, Đại hội thành lập Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA) đã được tổ chức. Tại Đại hội đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa HSIA và các Hội công nghệ vi mạch bán dẫn Nhật Bản, Singapore. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa HSIA với các hội ở nước ngoài cùng lĩnh vực hoạt động.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)