Trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu

PGS.TS Nguyễn Bá Ân (Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý) và GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Khoa Toán – Cơ – Tin học, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã trở thành những người đầu tiên nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các cá nhân có công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Lễ trao giải được tổ chức sáng nay, 17/5, tại trụ sở Bộ KH&CN với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cùng khoảng 300 nhà khoa học và sinh viên thuộc các trường đại học và các tổ chức KH&CN.

PGS.TS Nguyễn Bá Ân được trao giải với công bố “Joint remote state preparation via W and W-type states” [Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W hoặc kiểu W] đăng trên tạp chí Optics Communications năm 2010, còn GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng với công bố “The homomorphisms between the Dickson-Mùi algebras as modules  over the Steenrod algebra” [Các đồng cấu giữa các đại số Dickson- Mùi xem như các module trên đại số Steenrod] đăng trên Mathematische Annalen năm 2012.
 

Công trình của GS Nguyễn Bá Ân đưa ra một giao thức hiệu quả trong thông tin lượng tử trái ngược với những quan điểm trước đó. Còn công trình của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng đặc trưng được tất cả các đồng cấu của đại số Dickson-Mui (mang tên nhà toán học Huỳnh Mùi của Việt Nam). Cả hai công trình đều chứa đựng những ý tưởng độc đáo và đem lại những nhận thức mới về những cấu trúc được nghiên cứu. Những điều này rất khó đạt được trong công bố khoa học và được đánh giá cao nhất trong nghiên cứu cơ bản. Đây có lẽ đó là lý do họ nhận được số phiếu bầu gần như tuyệt đối. Cả hai người đều kiên trì nghiên cứu những vấn đề mũi nhọn trong lĩnh vực nghiên cứu của mình và nhận được nhiều kết quả mang tầm cỡ quốc tế.

GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu

Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trao kỷ niệm chương cùng phần thưởng trị giá 200 triệu cho PGS.TS Nguyễn Bá Ân và GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tặng hoa chúc mừng hai nhà khoa học.

Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng sự kiện Ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước.

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng mặc dù còn những tranh luận chung quanh vấn đề, Việt  Nam có nên đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản không hay chỉ nên tập trung phát triển khoa học ứng dụng thì câu trả lời dứt khoát của Bộ KH&CN vẫn là không thiên vị bên nào. “Khoa học cơ bản là nền tảng cho khoa học ứng dụng. Trong khu vực, Việt Nam là nước có ưu thế về nghiên cứu cơ bản vì vậy đây là lĩnh vực cần tiếp tục được đầu tư,” ông nói. Ông cho biết, Bộ KH&CN đã được giao xây dựng Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và Vật lý học, và Bộ sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng những chương trình tương tự trong lĩnh vực hóa học và sinh học.

Sau nghi thức trao giải ngắn gọn, phần lớn thời gian còn lại của buổi lễ được dành cho việc đối thoại giữa cử tọa với Bộ trưởng Nguyễn Quân và hai nhà khoa học vừa đoạt giải. Khá nhiều câu hỏi được nêu ra đều xoay quanh vấn đề cơ chế quản lý và đãi ngộ cần được cải thiện như thế nào để đảm bảo cho nhà khoa cuộc sống ổn định và môi trường nghiên cứu tự do, tự chủ. Không ít ý kiến cho rằng, nhà khoa học hiện nay còn mang nặng tâm thế người làm thuê chứ chưa phải người làm chủ do vẫn phổ biến tình trạng những nhà quản lý có trình độ thấp hơn lại là những người nắm hết các huyết mạch của tổ chức nghiên cứu, được quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng. Cũng có ý kiến cho rằng, đầu tư cho khoa học của Việt Nam thua kém nhiều lần so với những nước trong khu vực mà lại đòi hỏi nó phải có những thành tựu tương đương là một thái độ hết sức “duy tâm”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thừa nhận, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế quản lý thì không hy vọng có những phát triển đột phá trong KH&CN. Ông cho rằng, đoàn tàu nào cũng phải có đầu tàu và bày tỏ hy vọng dự án viện V-KIST – nơi sẽ áp dụng những cơ chế, chính sách đặc biệt – sẽ “trở thành đầu tàu, trở thành động cơ” cho sự thay đổi cung cách quản lý KH&CN ở Việt Nam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)