Trong tương lai, Việt Nam vẫn là nguồn cung lúa gạo bền vững

Dự kiến vào năm 2050, Đông Nam Á vẫn là vựa lúa lớn của thế giới, trong đó Việt Nam vẫn giữ được vị trí ổn định của mình trong ngành lúa gạo.

Gạo được đưa xuống tàu để chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu. Nguồn: Báo Công thương.

Công trình mới do nhà nghiên cứu Lê Vũ Ngọc Kiên (Viện nghiên cứu Chính sách, Bộ NN&PTNT), Lưu Thị Thúy (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) và đồng nghiệp quốc tế xuất bản trên Nature Food, “Southeast Asia must narrow down the yield gap to continue to be a major rice bowl” cho thấy để làm được điều đó, khu vực này cần áp dụng nhiều chính sách hơn nữa.

Với thế giới, Đông Nam Á đóng vai trò hết sức quan trọng bởi đây là vùng sản xuất lúa chính, chiếm 40% lượng xuất khẩu gạo thế giới, chủ yếu tới những khu vực như châu Phi và Trung Đông. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhu cầu lúa gạo được dự đoán là sẽ tăng lên 30% vào năm 2050, do đó tổng lượng gạo thương mại trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng trong khi những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn như Trung Quốc, Ấn Độ cũng có thể chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Mặt khác, gạo cũng là mặt hàng lương thực chính của vùng bởi theo ước tính, đến năm 2050, nhu cầu lúa gạo sẽ tăng xấp xỉ 18% do tốc độ tăng trưởng dân số trong khi một vài năm gần đây đã có dấu hiệu chững lại về sản lượng ở 4/6 quốc gia sản xuất lúa gạo là Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. “Trong vài thập kỷ gần đây, thông qua những nỗ lực phục hồi, Đông Nam Á đã có khả năng gia tăng năng suất và các quốc gia đã tạo ra lượng lúa gạo vượt quá nhu cầu của vùng, cho phép dư một lượng lớn cho xuất khẩu”, TS. Shen Yuan ở trường Đại học Nông nghiệp Hoa Trung (Trung Quốc) –một trong những tác giả của nghiên cứu, nói với Phys.org. “Vấn đề ở đây là liệu vùng này có khả năng duy trì được vai trò nhà cung cấp lúa gạo chính của thế giới trong bối cảnh nhu cầu tăng, diện tích gieo trồng khó tăng?”
Để trả lời câu hỏi, các nhà nghiên cứu đã áp dụng cách tiếp cận tổng hợp, kết hợp phân tích, mô hình hóa mùa vụ, sử dụng các cơ sở dữ liệu chi tiết về thời tiết, đất, dữ liệu hệ thống thu hoạch. Họ phát hiện ra ở quy mô vùng, trong tương lai, sự thiếu hụt sản lượng trung bình có tiềm năng là 48%, điều này không tương đồng ở các quốc gia khác nhau. Nếu chỉ xét lúa trồng trên diện tích có hệ thống thủy lợi cung cấp nước thì sự thiếu hụt ở Indonesia là 37% và Việt Nam 39%, nhỏ hơn so với Campuchia, Myanmar, Philippines và Thái Lan, dao động từ 51 đến 60%). Nhưng mức độ thiếu lương thực ở các vùng trong một quốc gia cũng khác nhau, ví dụ ở Việt Nam, đồng bằng sông Hồng sẽ có nguy cơ thiếu hụt lúa gạo là 46%, nghĩa là cao hơn so với ĐBSCL với 39%.

Trong một số trường hợp, tình trạng thiếu hụt lương thực trong tương lai còn liên quan đến lịch sử sản xuất, ví dụ trong trường hợp của Indonesia và Philippines, mức độ thiếu hụt ở Java và Luzon giảm so với các vùng khác của hai quốc gia này do được thừa hưởng hệ quả của Cuộc cách mạnh Xanh. Bên cạnh đó, cũng có sự khác biệt giữa các mùa vụ, ví dụ ở tại Indonesia và Philippines, sự thiếu hụt chỉ ở mức từ 7 đến 16% với diện tích lúa có hệ thống thủy lợi cung cấp nước trong mùa khô so với mùa mưa, tuy nhiên tại Campuchia và Việt Nam, điều này lại hoàn toàn trái ngược.

Điều quan trọng hơn, trong tương lai, Đông Nam Á vẫn có tiềm năng gia tăng sản lượng trên diện tích hiện có và giữ được vai trò nhà cung cấp toàn cầu, cho phép cung cấp 54 triệu tấn lúa hằng năm. Để đạt được mục tiêu này, Đông Nam Á cần phải áp dụng một số biện pháp như thay đổi trong phương pháp sản xuất như việc sử dụng phân bón, thủy lợi, thuốc trừ sâu, sâu bệnh cũng như cách quản lý rủi ro ở những vùng đất có lượng mưa thấp. “Thách thức ở đây là giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường liên quan đến sản xuất lúa gạo tập trung, ví dụ tìm hiểu các loại phân bón phù hợp với từng vùng để tăng sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân mà vẫn giảm thiểu chi phí. Tương tự, kiểm soát sâu bệnh đi kèm với những hiểu biết sâu sắc về cơ chế gây hại… để giảm thiểu thiệt hại, giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu và rủi ro môi trường”, Alice G. Laborte (Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế) – một trong số các tác giả, trả lời Phys.org.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)