Từ trường trong vũ trụ: từ phòng thí nghiệm tới các ngôi sao và cấu trúc vũ trụ nguyên thủy
Lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á và Việt Nam, hội thảo “Từ trường trong vũ trụ: từ phòng thí nghiệm tới các ngôi sao và cấu trúc vũ trụ nguyên thủy” được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của vật lý thiên văn, một lĩnh vực còn chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam.
Phiên khai mạc Hội Thảo. Ảnh: Hoàng Chí Thiêm.
Hội thảo diễn ra từ ngày 16 đến 22/2/2020 tại Trung tâm khoa học và giáo dục liên ngành (ICISCE), Quy Nhơn, Binh Định, nơi kể từ ngày thành lập đã tổ chức thành công nhiều sự kiện khoa học quốc tế đáng chú ý và thu hút được nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc tham dự. Đây cũng là lý do để các nhà tổ chức như GS Alex Lazarian (Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ), GS Elisabete de Gouveia Dal Pino (Đại học Sao Paulo, Brazil) và PGS Hoàng Chí Thiêm (Đại học KH&CN Hàn Quốc & Viện Thiên văn và Khoa học không gian Hàn Quốc) lựa chọn ICISCE thay vì Hà Nội, nơi cũng có một số nhà nghiên cứu Việt Nam bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này.
Các nội dung mà hội thảo đề cập đến cũng là những vấn đề hết sức thời sự và có sức gợi mở đến những hướng nghiên cứu mới trong tương lai, liên quan đến vai trò của từ trường trong nhiều quá trình vật lý cơ bản và môi trường khác nhau: từ phòng thí nghiệm đến sắc cầu Mặt trời, nhật quyển, môi trường liên sao, ngoại thiên hà, cụm thiên hà, môi trường liên thiên hà và vũ trụ nguyên thủy. Tuy các lĩnh vực này có sự khác biệt nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau qua “cầu nối” từ trường do phần lớn vật chất nặng (baryon) trong Vũ trụ tồn tại ở trạng thái khí ion hóa đều thấm đẫm từ trường (được gọi là trạng thái plasma) và quá trình hình thành, phát triển của vật chất trong vũ trụ đều có sự chi phối của từ trường. Viễn cảnh của mỗi chủ đề mà hội thảo khơi gợi đều được phác họa dựa trên các lý thuyết, tính toán số, hoặc dựa trên quan sát của các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực hẹp.
Ý tưởng tổ chức hội nghị tại Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu cân nhắc bởi họ mong muốn thúc đẩy sự quan tâm của thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ tại những trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam. Hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của giáo sư Pierre Darriulat đang bắt đầu nghiên cứu, tuy nhiên trong tương lai, số lượng có thể nhiều lên, ví dụ có ba sinh viên bậc Thạc sỹ của trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) và một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ đang nghiên cứu về lĩnh vực vật lý thiên văn – cơ sở để trong tương lai gần sẽ hình thành một nhóm nghiên cứu về hướng này.
Những tín hiệu vui như vậy đã bắt đầu xuất hiện tại hội nghị khi có 12 người Việt Nam tham dự, trong đó có 10 sinh viên cao học và nghiên cứu sinh từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, USTH, ĐH Quốc tế TPHCM. Trước khi diễn ra hội nghị, họ còn được tham gia một khóa học ngắn ngày, trường học về từ trường do các giáo sư trong ban tổ chức hội nghị trực tiếp giảng dạy.