“Tương lai Việt Nam và Điện hạt nhân”

Những trải nghiệm thú vị và hấp dẫn dành cho các em học sinh trong khuôn khổ Ngày Khoa học và hạt nhân tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE), Đại học Bách khoa Hà Nội đã góp phần đem lại những thay đổi tích cực về khái niệm điện hạt nhân trong cách nhìn của các em.


Hơn 50 học sinh tham gia cuộc thi vẽ “Tương lai Việt Nam và điện hạt nhân”

Một trong những trải nghiệm thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh nhất là cuộc thi vẽ với chủ đề “Tương lai Việt Nam và điện hạt nhân”. Trước khi ghi danh tham dự cuộc thi, các em học sinh trường THCS Thanh Quan và thành viên câu lạc bộ Teppi Art Club đã có những hiểu biết đầu tiên về điện hạt nhân thông qua cuốn sách “nhập môn” mang tên “ABC về điện hạt nhân” do các chuyên gia của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga (ROSATOM) tặng. Từ những hiểu biết mới mẻ đó, các em đã hào hứng đưa vào các bức tranh của mình ước mơ về một Việt Nam trong tương lai thanh bình, đẹp đẽ với các lò phản ứng nằm yên bình giữa những công viên tươi xanh hoa lá. Mơ ước của các em có lẽ cũng trùng khớp điều mà những người hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng hướng tới: điện hạt nhân phải đi kèm với văn hóa an toàn.

Kết thúc cuộc thi “Tương lai Việt Nam và điện hạt nhân”, bên cạnh ba bức tranh đoạt giải của Phạm Thu Trà (lớp 6A3, trường THCS Thanh Quan), Phan Thanh Thảo (lớp 6A3, trường THCS Thanh Quan) và Nguyễn Minh Tâm (lớp 6A1, trường THCS Thanh Quan), ban tổ chức cũng treo tất cả các bức tranh tham dự cuộc thi để mọi người tới theo dõi Ngày khoa học và hạt nhân đều có thể thưởng lãm.

Bên cạnh đó, một hình thức trải nghiệm thú vị khác mang màu sắc công nghệ cũng được ban tổ chức cung cấp, đó là việc tương tác với mô phỏng nhà máy điện hạt nhân từ các thiết bị di động và máy tính bảng. Thông qua phần mềm mới được nhà nghiên cứu Nga Pavel Lukashev thiết kế mang tên “Nhà máy điện hạt nhân trong lòng bàn tay” (Nuclear power in your hand), các em học sinh có thể tự khám phá một mô hình nhà máy điện hạt nhân hiện đại theo thiết kế của Nga, cách thức vận hành của nó và thậm chí có thể kiểm tra khả năng chống chịu với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như gió bão. Khi “khám phá” nhà máy điện hạt nhân này, các em cũng được biết thêm một số thông tin thú vị về ứng dụng của những kỹ thuật phóng xạ hiện đại trong y tế và nông nghiệp. Điều đặc biệt là ở cuộc khám phá này, ban tổ chức đã dành hẳn một phiên bản tiếng Việt cho các em dễ nắm bắt.

Thích thú trải nghiệm chuyến du hành “Nhà máy điện hạt nhân trong lòng bàn tay”

Không chỉ có cơ hội tham gia các hoạt động này, các em còn được ban tổ chức tặng các cuốn sách đẹp như “ABC về điện hạt nhân”, “Sự thật về năng lượng hạt nhân”, “Hỏi đáp về năng lượng hạt nhân”, “Nhiên liệu hạt nhân: sự đơn giản về những điều phức tạp”, “Du hành vào thế giới năng lượng nguyên tử”… Những nội dung cơ bản về điện hạt nhân và năng lượng nguyên tử trong những cuốn sách này đều được các nhà nghiên cứu và giáo dục Nga, đặc biệt là các chuyên gia của Rosatom, tuyển chọn rất kỹ lưỡng, giải thích cặn kẽ và dễ hiểu như: thế nào là phản ứng hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân được vận hành ra sao, nhiên liệu nào cho lò phản ứng, phóng xạ là gì… Vì vậy, kiến thức trong các cuốn sách này không chỉ có ích cho các em học sinh mà còn hữu ích cho cả người lớn. Đó cũng là một trong những mục tiêu mà các nhà làm sách hướng tới

Có thể, những hiểu biết mới thông qua các hoạt động của Ngày hội Khoa học và hạt nhân sẽ góp phần đem lại cho các em học sinh những quan điểm mới, đúng đắn hơn về điện hạt nhân cũng như đem lại thêm những gợi ý nghề nghiệp cho các em trong tương lai.

Đọc thêm: Ngày Khoa học và Hạt nhân 2016

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)