Vệ tinh Vinasat-2 vào quỹ đạo thành công

5g13 ngày 16-5, tên lửa Arian 5 mang theo vệ tinh Vinasat-2 rời bãi phóng Kouru tại Guyana, Nam Mỹ. Sau 36 phút bay, lúc 5g49, vệ tinh Vinasat-2 rời khỏi tên lửa Arian 5, vào quỹ đạo an toàn.

Trước đó là những giây phút hồi hộp tại phòng điều hành.

5g06, tên lửa đẩy được kiểm tra, trong vòng bảy phút cuối cùng trước khi phóng tên lửa đẩy, máy tính sẽ chạy tự động, kiểm tra tất cả thông số kỹ thuật. Thời tiết lúc này tại Guana rất thuận lợi.

5g11, cánh tay bơm nhiên liệu bắt đầu đưa vào khoang nhiên liệu oxy lỏng và nitơ lỏng.

5g13, tên lửa Arian 5 mang vệ tinh Vinasat-2 rời bãi phóng tại Guyana an toàn.

Tên lửa đẩy Ariane 5 rời bệ phóng đưa vệ tinh Vinasat-2 vào quỹ đạo – Ảnh: Arianespace

5g14, hai tên lửa đây đang hoạt động 90% công suất, đốt cháy 2 tấn nhiên liệu/giây với nhiệt độ lên đến 3000oC, đạt sức đẩy tương đương 12 máy bay phản lực.

5g15, chỉ sau hai phút bay, hai tên lửa đẩy đã hoàn thành nhiệm vụ và tách khỏi, rơi trở về trái đất.

5g16, chỉ sau ba phút bay, Arian-5 đã vượt qua lớp khí quyển bảo vệ trái đất dày 100km và hướng về đích đến, lớp bảo vệ vệ tinh Vinasat-2 cũng được tách ra.

5g48, tách lớp bảo vệ vệ tinh Vinasat-2.

5g49, vệ tinh Vinasat-2 rời khỏi tên lửa Arian 5, đi vào quỹ đạo an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng đã chứng kiến cuộc phóng vệ tinh tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), truyền hình trực tiếp từ Kouru.

Trước đó, tên lửa Ariane 5 mang vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản đã được vận chuyển ra bệ phóng. Tên lửa Ariane 5 được vận chuyển bằng bệ phóng di động theo hệ thống đường ray ra bãi phóng ELA-3. Theo Arianespcae, vệ tinh JCSAT-13 nằm phía trên cùng của khoang vận tải của tên lửa Ariane 5 và sẽ được thả vào không gian vũ trụ vào thời điểm 26 phút sau khi phóng.

Lần phóng vệ tinh Vinasat-2 này mang số hiệu VA206, với ý nghĩa là lần phóng thứ 206 của dòng tên lửa Ariane tại Trung tâm vũ trụ Châu Âu tính từ lần phóng đầu tiên vào năm 1979.

Quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông là vị trí quỹ đạo thuận lợi, gần với vị trí của Vinasat-1 (132 độ Đông) nên các angten thu phát hướng của cả hai vệ tinh đều không cần chỉnh hướng, tạo điều kiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của Vinasat-2.

Vệ tinh Vinasat-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 30 bộ phát đáp 36MHz trên băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng), Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.

Trước khi có vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam phải thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài với chi phí khoảng 10 triệu USD/năm. Do đó, việc Việt Nam có vệ tinh riêng góp phần giúp các đơn vị trong nước tiết kiệm chi phí thuê kênh, giàm từ 1/3 đến 1/2 chi phí tùy thuộc vào băng tần sử dụng.

Theo VNPT, hiện nay, khoảng 90% dung lượng của Vinasat-1 đã được sử dụng, doanh thu dự kiến trong năm 2012 là 250 tỉ đồng, trong đó chưa tính dung lượng sử dụng cho mang lưới của VNPT, chiếm gần 30%.

Cho đến nay, Vinasat-1 đã khai thác kinh doanh được 4 năm, Theo VTI (thuộc VNPT), đơn vị này sẽ xúc tiến, tiếp xúc với khách hàng là các đài truyền hình lớn như VTV, VTC, tiếp cận các khách hàng trong lĩnh vực dầu khí, tài chính, ngân hàng… và một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar, Campuchia. Ngoài ra, Vinasat-2 sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Sau khi vệ tinh Vinasat-2 vào quỹ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chúc mừng.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

Thưa đồng chí, đồng bào và các bạn,

Hôm nay tôi rất vui mừng có mặt tại đây để cùng đồng chí, đồng bào và các bạn chứng kiến giây phút quan trọng đánh dấu bước phát triển của viễn thông Việt Nam- sự kiện phóng vệ tinh nhân tạo thứ hai của Việt Nam Vinasat-2 lên quỹ đạo không gian vũ trụ. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt chúc mừng sự kiện vệ tinh Vinasat-2 đã được phóng thành công.

Thưa đồng chí, đồng bào và các bạn,

Dự án phóng vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 là các dự án được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây là các dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế – xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 19-4-2008, vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo, đánh dấu mốc đầu tiên của Việt Nam trong việc sử dụng tài nguyên không gian vũ trụ, mở ra những cơ hội để chúng ta ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là phục vụ cho vùng sâu, vùng xa và biên giới hải đảo, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao năng lực và vị thế của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Việc phóng vệ tinh Vinasat-1 thành công và đưa vào khai thác có hiệu quả (sau 4 năm đã khai thác được 90% dung lượng), chứng tỏ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Đây cũng chính là cơ sở để Chính phủ tiếp tục giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nhiệm vụ làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện Dự án phóng vệ tinh Vinasat-2.

Để có sự kiện trọng đại Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat-2 hôm nay, thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đối tác và nhà thầu: Telesat (Canada), Lockheed Martin (Hoa Kỳ), Arian espace (Pháp) trong việc triển khai Dự án.

Thưa đồng chí, đồng bào và các bạn,

Sự kiện phóng thành công vệ tinh Vinasat-2 lên quĩ đạo ngày hôm nay là bước khởi đầu rất quan trọng cho việc hoạt động và khai thác hiệu quả của Vệ tinh, tiếp theo đây còn rất nhiều việc phải làm. Với kiến thức và kinh nghiệm quản lý đã có được từ Vinasat-1, Tôi yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương đưa Vinasat-2 sớm đi vào hoạt động ổn định, có các giải pháp hữu hiệu để khai thác có hiệu quả Vệ tinh và cùng với Vinasat-1 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thông tin truyền thông quốc gia, đưa thông tin đến tất cả các vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi và hải đảo, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quốc phòng, an ninh, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, phấn đấu đến 2020, Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh… Như vậy, có thể nói, Dự án phóng vệ tinh Vinasat-2 mà chúng ta thực hiện hôm nay là một bước đi tiếp, quan trọng trên lộ trình thực hiện Đề án này.

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành trong thời gian tới còn rất nặng nề, tôi mong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, toàn ngành thông tin và truyền thông phát huy những thành tựu đạt được và truyền thống tốt đẹp của ngành, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nước, xứng đáng xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Với kinh nghiệm quản lý và khai thác 2 quả vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2, tôi cũng mong rằng Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục đi đầu trong nghiên cứu, tập trung phát triển nguồn nhân lực để cùng với các bộ ngành tiến tới đề xuất với Chính phủ phương án phát triển lĩnh vực thông tin vệ tinh trong tương lai.

Một lần nữa, tôi xin chúc mừng thành công của sự kiện phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2, chúc mừng sự lớn mạnh của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Nhân dịp này, tôi cũng xin chúc mừng nước bạn Nhật Bản đã phóng thành công vệ tinh JC-SAT 13 cùng với vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam trong buổi hôm nay.

Tôi xin gửi lời thăm hỏi thân thiết và những lời chúc tốt đẹp nhất tới đồng bào, đồng chí và các bạn.

Xin chân thành cảm ơn.

Tác giả