Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Không chỉ đóng góp cho đất nước mà phải hướng đến quốc tế

“Chính phủ coi việc ‘đổi tên’ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, gắn thêm chữ ‘hàn lâm’ sẽ mang lại sự biến đổi về chất, để quá trình phát triển của Viện vừa mang tính hàn lâm nhưng cũng thực tiễn, không chỉ ở những lĩnh vực căn bản và nền tảng mà cần phải có mũi nhọn, để Viện không chỉ đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn hướng đến quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu như vậy trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sáng 20/5 tại Hà Nội.

Ra đời cách đây 40 năm với tên gọi đầu tiên là Viện Khoa học Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã được đặt kỳ vọng trở thành đơn vị đi tiên phong và đóng vai trò trụ cột trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cũng như nỗ lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, Viện đã dần khắc phục những khó khăn ban đầu, xây dựng được hệ thống khá đồng bộ về cơ sở vật chất và nhân lực, phục vụ những nhiệm vụ nghiên cứu được giao. Từ chỗ chỉ có ba viện nghiên cứu, hiện nay Viện đang quản lý 33 viện chuyên ngành nghiên cứu cơ bản, trong đó có bốn viện thực hiện quy chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, thành lập hai Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Toán và Vật lý…

Ngoài các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, Viện còn đi tiên phong trong việc phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, công nghệ vũ trụ; công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, tin – lý hóa – sinh, y học, khai thác và bảo vệ tài nguyên sinh vật đặc hữu; công nghệ vật liệu mới với công nghệ nano, quang tử, vật liệu tổ hợp, vật liệu môi sinh… Trên cơ sở này, Viện được giao phụ trách bốn phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ gene, công nghệ tế bào thực vật, vật liệu và linh kiện điện tử, công nghệ mạng và đa phương tiện với nhiều trang thiết bị hiện đại.

Nhiều tên tuổi lớn của ngành KH&CN Việt Nam đã tham gia công tác quản lý và nghiên cứu tại Viện, như GS.VS Trần Đại Nghĩa, GS Lê Văn Thiêm, GS VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Hoàng Tụy, trong đó GS Hoàng Tụy được vinh dự trao giải thưởng Hồ Chí Minh… Trong những năm gần đây, khi giải thưởng Tạ Quang Bửu ra đời, những nhà khoa học xuất sắc của Viện cũng đã được ghi danh như GS. TS Nguyễn Bá Ân (Viện Vật lý) năm 2014, GS. TS Nguyễn Đông Yên, PGS. TS Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học) năm 2015.

Trong các lĩnh vực nghiên cứu của Viện, lĩnh vực nghiên cứu cơ bản vẫn là thế mạnh. Tính đến năm 2014, Viện vẫn là đơn vị nghiên cứu dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và có số lượng công bố trên các tạp chí ISI cao nhất. Các công bố quốc tế của Viện tăng liên tục trong năm năm gần đây với mức tăng mỗi năm khoảng 15%, riêng năm 2014 tăng hơn 20% so với năm 2013, trong số đó, nhiều công trình được đăng trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng IF cao.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các công bố trên tạp chí ISI của khoa học Việt Nam trong vòng năm năm qua (2009-2015) đạt mức tăng trưởng 20%, trong đó Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chiếm hơn 30% trong tổng số công bố và khoa học Việt Nam hiện tại đã lọt vào tốp bốn khu vực Đông Nam Á cùng Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên so sánh về số lượng với các quốc gia này, rõ ràng công bố của khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều cách biệt.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã trải qua nhiều lần đổi tên. Phó Thủ tướng cho rằng, “Chính phủ coi việc ‘đổi tên’ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, gắn thêm chữ ‘hàn lâm’ sẽ mang lại sự biến đổi về chất, để quá trình phát triển vừa mang tính hàn lâm nhưng cũng thực tiễn, không chỉ ở những lĩnh vực căn bản và nền tảng mà cần phải có mũi nhọn, để Viện không chỉ đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn hướng đến quốc tế…”

Về đội ngũ nghiên cứu của Viện, Phó Thủ tướng mong muốn Viện sẽ có những nhà khoa học xuất sắc, có khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước cũng như quá trình phát triển của khoa học thế giới. Nhà nước sẽ có những ưu đãi để các nhà khoa học xuất sắc phát huy được khả năng của mình.

Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ lớn do Thủ tướng giao

– Về lĩnh vực công nghệ vũ trụ: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế lắp đặt và phóng lên quỹ đạo hệ thống VNREDSat -1, hệ thống vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam.

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã triển khai chương trình độc lập cấp nhà nước về KHCN vũ trụ, trong giai đoạn thử nghiệm 2008-2011 (18 đề tài, một nhiệm vụ, tổng kinh phí 31 tỷ đồng), giai đoạn 1 từ 2012-2015 (26 đề tài, tổng kinh phí gần 102 tỷ) bao gồm các hướng nghiên cứu về: nghiên cứu phục vụ kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh, công nghệ vệ tinh nhỏ và trạm mặt đất, tiếp cận một số vấn đề cơ bản định hướng ứng dụng công nghệ chọn lọc về tên lửa đẩy, nghiên cứu cơ bản định hướng công nghệ vũ trụ, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 tại khu CNC Hòa Lạc đang được triển khai với kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm khoa học được đầu tư bài bản nhất trong nước.

– Về hoạt động của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần: Đến năm 2013, sau tám năm thành lập, Trung tâm đã phát hiện và cảnh báo 370 trận động đất trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam. Viện đã chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến động đất tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2, A Lưới và Sơn La.

– Về thực hiện chương trình Tây Nguyên 3: Xây dựng được bức tranh tổng thể về hiện trạng tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xã hội Tây nguyên, phát hiện hàng trăm sinh vật mới, nhiều hoạt chất sinh học có giá trị dược lý, một số kết quả bước đầu đã được chuyển giao “Công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại tây nguyên, công nghệ thụ tinh nhân tạo giống heo rừng tây Nguyên, dịch vụ đa phương tiện trên nền mạng viễn thông WIMAX tại tây nguyên..

– Về lĩnh vực bảo tàng thiên nhiên: Viện hoàn thành và đưa vào trung bày Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới – mô hình bảo tàng thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Viện đang tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên VN”, “Xây dựng bảo tàng thiên nhiên Việt Nam”.

Một số kết quả nghiên cứu điển hình của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam:

– Trong lĩnh vực hóa học môi trường: Nghiên cứu thành công thuốc cai nghiện ma túy Heantos 4, sản phẩm nano curcumin, công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ

– Trong lĩnh vực Vật lý cơ học và Khoa học vật liệu: Chế tạo thành công phổ kế huỳnh quang tia X thế hệ mới được triển khai ứng dụng tại nhiều địa phương; máy tuyển từ cường độ cao với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của Mỹ và châu Âu, giá thành chỉ bằng 30%, cung cấp cho nhiều cơ sở công nghiệp trong nước.

– Trong lĩnh vực khoa học trái đất, khoa học biển: Xuất bản Atlas quốc gia, bồ bản đồ về các điều kiện tự nhiên, xã hội Việt Nam. Tập thể nghiên cứu công trình này đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)