Viện Toán học tròn 45 tuổi

Trong 45 năm qua, Viện Toán học đã cố gắng trở thành một viện chuyên môn đàng hoàng, lấy hội nhập quốc tế làm thước đo trình độ chứ không phải lấy thành quả trong quá khứ để thỏa mãn, GS Hoàng Tụy đã phát biểu như vậy tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện Toán học ngày 17-4 vừa qua.

Tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Toán học Lê Tuấn Hoa đã tóm lược quá trình phát triển của Viện, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của những người đặt nền móng xây dựng Viện như GS Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy… Là Viện trưởng Viện Toán học đầu tiên, GS Lê Văn Thiêm đã cùng những cán bộ đầu tiên của Viện thực hiện các nhiệm vụ: tiến hành nghiên cứu cơ bản có định hướng về toán, ứng dụng toán học và đào tạo cán bộ có trình độ cao. Kế tiếp sự nghiệp của GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy đã góp phần xây dựng Viện theo tiêu chuẩn quốc tế, hoạt động nghiên cứu tiến hành theo khuôn mẫu của các trung tâm toán học quốc tế.

Suốt hành trình 45 năm, Viện Toán thực hiện theo những định hướng và tiêu chuẩn mà các GS Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy đặt ra để trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu xuất sắc của các nước đang phát triển.

Về lực lượng, Viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực chuyên môn cao bằng việc cử đi đào tạo tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, tự đào tạo trong nước và liên hệ xin học bổng của các trường đại học quốc tế. Kể từ năm 2007, Viện còn mở chương trình đào tạo thạc sỹ quốc tế để tăng cường cơ hội gửi sinh viên đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài. Trong số 183 cán bộ nghiên cứu từng được tuyển vào biên chế Viện, có 126 người có học vị từ TS trở lên, chiếm 69%. Hiện tại, Viện có 86 nhà nghiên cứu, trong đó có 20 GS, 16 PGS.

Về hợp tác quốc tế, Viện mở rộng mối quan hệ của mình nhằm thúc đẩy sự phát triển của công tác nghiên cứu. Viện đã ký kết hợp tác với hơn 20 trường, viện nước ngoài qua đó tạo cơ hội trao đổi các đoàn nghiên cứu hai chiều nhằm duy trì được khả năng nghiên cứu những vấn đề thời sự của ngành mà còn tìm kiếm, phát hiện được nhiều học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Viện đã nhận được nhiều tài trợ của các Quỹ Alexander von Humboldt, Heisenberg thuộc Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG), Fulbringt, Marie- Curie, Quỹ Royal Society Anh.

Đại diện cho thế hệ những nhà toán học lão thành có nhiều gắn bó xây dựng Viện kể từ ngày đầu thành lập, GS Hoàng Tụy đã nhắc lại những đóng góp của các GS Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, đồng thời khẳng định “Viện Toán học đã được xây dựng để trở thành một viện chuyên môn đàng hoàng, làm ứng dụng thật đàng hoàng trên cơ sở chuyên môn của mình. Viện lấy hội nhập quốc tế làm thước đo trình độ, không say sưa với những nghiên cứu ngoài lề khoa học. Từ những viên gạch đầu tiên của GS Lê Văn Thiêm đến nay, Viện vẫn kiên trì thực hiện điều đó, thực hiện đoàn kết trên cơ sở dân chủ”.

Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, “Bộ KG&CN coi trọng và đặc biệt quan tâm đến khoa học cơ bản, trong đó có toán học. Trong Sách trắng về KH&CN năm 2013 và 2014, Bộ đánh giá toán học xếp hạng nhì Đông Nam Á và riêng toán tối ưu tự hào xếp ở vị trí dẫn đầu khu vực”. Đây là cơ sở để Viện Toán học phát huy hơn nữa khả năng chuyên môn của mình. Bộ trưởng cũng cho biết, thông qua Quỹ Nafosted, Bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho khoa học cơ bản, trong đó có toán học, được nghiên cứu chuyên sâu. Những chính sách của Quỹ sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực cho các tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như các nhà khoa học. Các nhà toán học có công bố ISI sẽ được Quỹ tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí xuất bản, được tham dự các hội nghị quốc tế về toán…

Viện Toán học đã được trao danh hiệu là một trong những trung tâm nghiên cứu xuất sắc của các nước đang phát triển do Viện Hàn lâm thế giới vì sự nghiệp khoa học của các nước đang phát triển (TWAS) trao năm 1994. Các thành viên của Viện đã công bố 3.000 công bố quốc tế và hiện đóng góp khoảng 20% nghiên cứu có chất lượng của toán học Việt Nam.

Viện đã xuất bản 14 sách chuyên khảo bằng tiếng nước ngoài tại các NXB Springer, Kluwer…, xuất bản bộ sách Toán cao cấp có uy tín với 25 đầu sách.

Nhiều lĩnh vực nghiên cứu gây nhiều chú ý như Lý thuyết tối ưu, Đại số giao hoán, Phương trình đạo hàm riêng, Lý thuyết kỳ dị. Trong lĩnh vực Lý thuyết tối ưu đã công bố hơn 700 bài báo, hầu hết là ISI.

Hai giáo sư sáng lập Viện – GS Lê Văn Thiêm và GS Hoàng Tụy đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN. Bên cạnh đó, GS Hoàng Tụy còn nhận giải thưởng Caratheodory về Tối ưu. GS Ngô Việt Trung được tặng giải thưởng Nhân tài Đất Việt, bốn cán bộ của Viện được TWAS công nhận là thành viên…

 
 
 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)