Việt Nam làm chủ công nghệ dự báo bão hạn mùa trước 6 tháng cho khu vực Biển Đông

Với việc làm chủ công nghệ dự báo bão hạn mùa trên khu vực biển Đông trước 6 tháng do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) chuyển giao cho Việt Nam trong khuôn khổ dự án FIRST với trường đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG Hà Nội (VNU-HUS), năng lực dự báo của các nhà nghiên cứu khí hậu, khí tượng Việt Nam sẽ được nâng lên

Mô hình phương pháp kết hợp Đại dương-Khí quyển của CSIRO

Diễn ra trong hai ngày 29 và 30/3/2019 với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia khí tượng của Việt Nam và Úc, hội thảo lần thứ 3 của dự án FIRST với mã số 17/FIRST/1a/VNU2 về Hệ thống mô hình kết hợp Đại dương – Khí quyển cho mục đích dự báo bão hạn mùa trên khu vực Biển Đông được coi là hội thảo bản lề để hoàn thiện hệ thống công nghệ và chuẩn bị chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Việt Nam theo tinh thần đã ký kết với hai mục tiêu chính là giúp Việt Nam làm chủ hệ thống dự báo bão hạn mùa với thời lượng dự báo lên tới 6 tháng và nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ trong lĩnh vực này.

Hệ thống này sẽ có khả năng cung cấp thông tin dự báo sớm về số lượng xoáy thuận nhiệt đới (TC – Tropical Cyclone), thời điểm diễn ra bão và khu vực có khả năng hình thành bão. Theo Giáo sư Phan Văn Tân – chủ nhiệm dự án, dù sẽ không đem lại thông tin về quá trình hình thành và di chuyển hằng ngày của một cơn bão cụ thể như công việc trong lĩnh vực dự báo thời tiết, nhưng công nghệ dự báo bão hạn mùa này sẽ đóng vai trò quan trọng cho công tác cảnh báo bão của Việt Nam, giúp chúng ta có khả năng chuẩn bị “đón bão” trước từ 3-6 tháng, qua đó tạo điều kiện cho các tàu bè hải quân cũng như các hoạt động trên biển khác như đánh bắt xa bờ, vận tải diễn ra trong thời gian dài một cách an toàn.

Theo báo cáo tiến độ tại hội thảo, khoảng 6/8 hạng mục chính của việc nâng cấp thiết bị phần cứng và xây dựng cấu thành hệ thống phần mềm đã cơ bản hoàn thành. Nhóm chuyên gia thực hiện dự án đang lấy ý kiến thảo luận của các chuyên gia về khí tượng thủy văn của Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm trước khi chuyển giao. Dự kiến, hệ thống dự báo tự động chạy (AUTO-Ope) sẽ chạy trên chế độ nghiệp vụ và kết quả theo thời gian thực sẽ được đăng tải tại website (http://meteo.edu.vn/en/csiro/) giúp công chúng tiếp cận rộng rãi. Website này vẫn đang trong quá trình xây dựng nhằm mục đích tạo giao diện tiếp cận thân thiện hơn với người sử dụng. Trong quá trình này, hệ thống máy chủ đặt ở VNU-HUS đang vận hành thử nghiệm một hạng mục về mô phỏng và dự báo bão hạn mùa dựa trên số liệu do các nhà nghiên cứu của trường đã thu thập được trong vòng 20 năm (từ 1990-2010) để tiến hành dự báo trước 9 tháng cho mỗi tháng nhằm khẳng định tính chính xác của mô hình Đại dương-Khí quyển, vốn là một phương pháp tổ hợp dự báo bão còn tương đối mới tại Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng của dự án là hỗ trợ nâng cao năng lực của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Báo cáo kết quả về hạng mục đào tạo cho thấy, đã có 4 cán bộ nghiên cứu của Việt Nam được các chuyên gia của CSIRO  đào tạo tại Úc trong vòng 3 tháng (tháng 8 đến 11/ 2018) về việc làm chủ mô hình Khí quyển-Đại dương cũng như các công nghệ liên quan và 3 nhà khoa học Việt Nam làm việc tại CSIRO, Úc trong thời gian từ tháng 8 đến 9/2018 để hoàn tất các bài báo khoa học. Dự kiến, sẽ có 2 bài báo trên các tạp chí ISI và 2 bài trên tại tạp chí quốc gia được nộp vào tháng 4/2019.

Theo đánh giá của đại diện nhóm nghiên cứu, với hệ thống phần cứng-phần mền và nguồn nhân lực từ dự án, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khả năng chủ động về mặt công nghệ để chạy các mô hình toàn cầu.

Trước đó vào năm 2015, CSIRO cũng đã phối hợp với IMHEN (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Bộ TN&MT) và VNU-HUS thực hiện dự án “Dự tính khí hậu tương lai với độ phân giải cao cho Việt Nam”.  

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)