WEF Đông Á: xây dựng mô hình xanh, sạch
và toàn diện hơn

Châu Á cần xây dựng mô hình kinh doanh mới nhằm mục tiêu tăng trưởng sạch và toàn diện hơn để bảo tồn được các nguồn lực tự nhiên, theo các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách tại diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF) sáng 7-6.




Theo bà Amrita Cheema-Behrendt của kênh truyền hình Deutsche Welle, phát triển xanh đang trở thành mô hình phát triển tâm điểm của thế giới và châu Á không thể đứng ngoài xu thế này. Đặc biệt khi châu Á là khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu và việc phát triển một định hướng xanh, bền vững là vô cùng cần thiết.

Trung Quốc hiện là một trong những nước đầu tư nhiều nhất cho công nghệ xanh, Hàn Quốc từ năm 2008 đã lấy công nghiệp xanh làm động lực mới cho phát triển kinh tế trong khi Nhật Bản là nước biết xử lý, tận dụng rác thải hàng đầu thế giới.

“Phát triển xanh không chỉ là một lựa chọn, đó là mô hình mới mà thế giới nên cam kết gắn liền”, Thứ trưởng Môi trường Hàn Quốc Yoon Jong-Soo nói. Hàn Quốc có bước chuyển đổi lớn từ năm 2008 khi đặt môi trường là trọng tâm của phát triển kinh tế và biến các ngành công nghiệp xanh trở thành động lực phát triển của mình. Nước này chi 2% GDP mỗi năm cho các nghiên cứu, phát triển công nghệ xanh.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam Nguyễn Thái Lai nói Việt Nam là một trong năm nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi có chương trình hành động ngắn hạn và dài hạn và ba cấp ủy ban để triển khai chiến lược này”. Các sáng kiến Việt Nam đã thực hiện bao gồm việc trồng lại 5 triệu hecta rừng, các nỗ lực chặn tình trạng chặt phá rừng, hợp tác với các nước láng giềng để bảo vệ sông Mekong và hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường của khối doanh nghiệp.

Với các lãnh đạo doanh nghiệp dù các nước đã hành động nhưng hiện các thách thức vẫn còn to lớn. “Hầu hết các nước châu Á đều có các quy định luật lệ nhưng việc thực thi luật và thay đổi tư duy suy nghĩ là rất cần thiết”, Frans Muller, thành viên HĐQT Tập đoàn METRO (Đức), đồng chủ tịch diễn đàn WEF Đông Á nói.

Stuart Dean, Chủ tịch khu vực ASEAN của GE International, kêu gọi cắt giảm trợ cấp các Chính phủ đối với năng lượng. Theo ông, hiện có khoảng phân nửa số quốc gia châu Á thực hiện chính sách này. “Khi các bạn hỗ trợ năng lượng hóa thạch, mọi người sẽ lạm dụng hệ thống này – ông nói. Để sửa đổi hành vi này cần phải để giá nhiên liệu đúng giá thị trường và tìm các biện pháp khác giúp người nghèo”.

Theo ông, mức giá nhiên liệu thấp cũng là cản trở cho việc phát triển các nhiên liệu thay thế, vốn đắt hơn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Tập đoàn GE cho biết họ đã đầu tư hơn 5 tỉ USD cho các sản phẩm thân thiện với môi trường với doanh thu từ các sản phẩm này lên tới 25 tỉ USD. Theo ông, thị trường sản phẩm xanh hiện khoảng 4.000 tỉ USD và vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển.

Trong khuôn khổ WEF, 12 tập đoàn hàng đầu đã đồng ý cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam thành lập nhóm Đặc trách phát triển bền vững về nông nghiệp.

Carl Lukach, chủ tịch của Tập đoàn Dupont Asia Pacific tại Nhật, kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quá trình phê chuẩn các sản phẩm xanh bằng việc đồng bộ hóa chính sách và hành vi của mình, cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng biết tiết kiệm năng lượng, cho vay tài chính lãi suất thấp tới các doanh nghiệp xanh và thúc đẩy hợp tác giữa công ty địa phương và các viện nghiên cứu. “Châu Á có cơ hội để phát triển các công nghệ đi tắt và tránh được sai lầm của các công nghệ trước kia”, ông nói.

Theo các nhà lãnh đạo, hợp tác nên bao gồm cả các biện pháp hỗ trợ cũng như trợ cấp cho các nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh. Các nước châu Á cần hợp, tạo điều kiện cho các sản phẩm và dịch vụ xanh, thay đổi cách nghĩ của người tiêu dùng và doanh nghiệp về cách thức sử dụng năng lượng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)