Xây dựng cơ quan pháp quy cho chương trình điện hạt nhân
Ngày 26/6 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Tăng cường năng lực và thẩm quyền của cơ quan pháp quy hạt nhân, nhằm cung cấp những kinh nghiệm hữu ích của quốc tế giúp Việt Nam xây dựng và phát triển một cơ quan pháp quy hoạt động hiệu quả phục vụ cho chương trình điện hạt nhân quốc gia.
Trong bài trình bày của mình, ông Denis Flory, Phó tổng giám đốc IAEA, cho rằng Chính phủ Việt Nam “nên thiết lập và duy trì một khung pháp quy, pháp lý, và quản lý phù hợp về an toàn trong đó các trách nhiệm được xác định rõ ràng”, và “Chính phủ cần đảm bảo rằng cơ quan pháp quy thực sự độc lập trong việc đưa ra quyết định liên quan đến an toàn”.
Vấn đề tính độc lập của cơ quan pháp quy về năng lượng hạt nhân thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu tại Hội thảo. Một số ý kiến từ phía các cơ quan Việt Nam cho rằng Việt Nam hiện đang rất hạn chế về nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân, thiếu những chuyên gia có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thích hợp, nên rất khó để phân phối nhân lực cho nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau. Do đó, đại diện Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, cho rằng Việt Nam cũng giống như tình hình các nước đã phát triển trước đây khi còn ở giai đoạn đầu của chương trình điện hạt nhân, chưa thể xây dựng ngay lập tức một cơ quan pháp quy về năng lượng hạt nhân hoạt động một cách độc lập, và tính độc lập này chỉ có thể được hoàn thiện từng bước theo một lộ trình.
Đáp lại ý kiến này, ông Flory nhấn mạnh rằng mô hình quản lý năng lượng hạt nhân từ những năm 1970 ngày nay đã không còn phù hợp để học hỏi, và Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xây dựng một cơ quan pháp quy độc lập mà không nhất thiết phải mất nhiều năm mới đạt được mục tiêu này.
Ông Ho Nieh, đại diện của Ủy ban Pháp quy Hạt nhân Mỹ (NRC) đồng tình với quan điểm này, chia sẻ rằng với kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, khi một quốc gia đã thiết lập ra một cơ quan pháp quy thiếu tính độc lập thì không tránh khỏi sau này sẽ phải trải qua một quá trình chuyển đổi khó khăn, mới có thể xây dựng được tính độc lập cần thiết.
Đồng cảm với khó khăn về hạn chế nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam nhưng cũng nhất trí với quan điểm chung của các chuyên gia quốc tế, ông Masaki Nakagawa, đại diện Tổ chức An toàn Năng lượng Hạt nhân của Nhật, cho rằng Việt Nam nên có một lộ trình xây dựng một cơ quan pháp quy độc lập, trong đó xem xét từng yếu tố cấu thành tính độc lập này, từ đó cụ thể hóa thành từng mục tiêu có thể thực hiện được.
Hội thảo Tăng cường năng lực và thẩm quyền của cơ quan pháp quy hạt nhân được tổ chức bởi Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân Việt Nam, phối hợp cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Diễn đàn Hợp tác Pháp quy (RCF), và Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (NEA) của Tổ chức Kinh tế Thế giới (OECD). Qua đó, các chuyên gia quốc tế đã cung cấp nhiều thông tin cho các cơ quan thẩm quyền liên quan của Việt Nam, trong đó tập trung chia sẻ các kinh nghiệm hữu ích cho tổ chức pháp quy hạt nhân độc lập.