Xung đột giữa các quốc gia ngày càng tăng

Nếu số lượng xung đột trung bình giữa hai quốc gia là 6 vụ/năm trong khoảng từ năm 1870 đến 1913, 17 vụ/năm trong khoảng giữa hai cuộc thế chiến, thì con số này đã tăng lên 31 vụ/năm trong thời kì chiến tranh lạnh, và 36 vụ/năm vào những năm 90.

Đó là những con số được đưa ra trong nghiên cứu mới đây của GS. Mark Harrison (ĐH Warwick) và GS Nikolaus Wolf (ĐH Humbolt), cho thấy xung đột giữa các quốc gia đang ngày càng tăng.

GS Mark Harrison nói: “Số lượng xung đột tăng lên theo đà ổn định. Do hai cuộc thế chiến, rõ ràng xu hướng này đã bị xáo động trong khoảng thời gian 1914 và 1945 nhưng đáng chú ý là sau 1945, tần suất các cuộc chiến tranh đã tái khởi động chu trình đi lên  của nó với nhịp độ cũng như trước năm 1913”.

Một trong những tác nhân chủ chốt là số lượng các quốc gia, đã tăng lên đáng kể – từ 47 năm 1870 lên 187 vào năm 2001.

GS Mark Harrison nhận xét thêm rằng: “Ngày càng nhiều quốc gia đụng độ bởi vì có nhiều quốc gia hơn. Điều này đáng quan ngại: nó cho thấy có mối liên quan mật thiết giữa chiến tranh với sự ra đời của các quốc gia và đường biên. Ngoài ra, cho dù bạn có phân chia kiểu gì, chúng ta chỉ có một hành tinh. Hành tinh của chúng ta đã chứng kiến hai cuộc thế chiến. Kinh nghiệm này cho thấy bạn không thể đảm bảo rằng những xung đột nhỏ sẽ không đột nhiên gia tăng cường độ và biến thành đấu tranh lan rộng với những biến động chết chóc ”.

Số lượng các cuộc xung đột giữa hai nhà nước trên thế giới bắt đầu gia tăng từ năm 1870. (“Xung đột từng đôi” được xác định bởi số lượng các cặp nước trong xung đột. Xung đột bao gồm tất cả mọi thứ từ chiến tranh chính thức trên diện rộng tới những hoạt động quân sự mang tính trình diễn lực lượng như gửi tàu chiến và đóng cửa biên giới. Thống kê không bao hàm yếu tố đánh giá cường độ bạo lực, nhưng có bao hàm yếu tố thể hiện khả năng sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp của chính phủ. Do chỉ giới hạn chiến tranh giữa các quốc gia, các cuộc nội chiến không được tính đến).

Khi các nhà nghiên cứu thảo luận công trình của họ với các đồng nghiệp, câu hỏi được đặt ra thường xuyên nhất là về các cuộc chiến tranh từ năm 1945: “Không phải chúng chỉ là các cuộc chiến của Mỹ sao?” và “Không phải đó là những cuộc chiến tranh liên minh mà rất nhiều nước lao vào chỉ tham gia mang tính tượng trưng mà không bao giờ nổ súng ư?”. Câu trả lời là “không” với cả hai câu hỏi. Nếu không tính tới các cuộc “chiến tranh của Mỹ” trong dữ liệu, kết quả vẫn có gì khác biệt: vẫn là xu hướng chiến tranh đã và đang tăng lên. Các học giả khác chỉ ra rằng khoảng cách trung bình giữa các nước tham chiến đã giảm dần từ những năm 1950.

Nhìn vào những quốc gia phát động xung đột, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia lớn hơn (được xác định bằng GDP) hay can thiệp quân sự thường xuyên hơn, nhưng không có sự gia tăng trong xu hướng này trong hơn 130 năm được nghiên cứu. Họ cũng chỉ ra rằng không có xu hướng những nước giàu hơn (được xác đinh bằng GDP bình quân đầu người) hay gây chiến nhiều hơn những nước khác, và điều này cũng không thay đổi trong suốt 130 năm qua. Nói cách khác, tính sẵn sàng tham chiến phân phối tương đối đồng nhất qua phân bổ thu nhập toàn cầu.

Điều này dấy lên hai vấn đề. Thứ nhất, nó phần nào đáng báo động. Thứ hai, nó là một điều khó hiểu. Theo những gì chúng ta biết, hoặc nghĩ là chúng ta biết, điều này lẽ ra không xảy ra. Các quốc gia trên thế giới có xu hướng trở nên giàu hơn, dân chủ hơn, và phụ thuộc hơn lẫn nhau. Những nhà tư tưởng của Kỉ nguyên Khai sáng nghĩ rằng lẽ ra điều này sẽ khiến thế giới trở nên hòa bình hơn. Phần lớn khoa học chính trị được xây dựng dựa trên ý tưởng là các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia giàu hơn, dân chủ hơn có ít động cơ gây chiến hơn và bị ràng buộc nhiều hơn để không làm điều này.

GS. Mark Harrison nhận định: “Chúng tôi không nghĩ rằng tư tưởng này là sai, nhưng nó không hoàn thiện. Dù cũng không chắc về câu trả lời, nhưng chúng tôi cho rằng các nhà khoa học chính trị ở đây đã nhìn nhận theo hướng tập trung quá nhiều vào yếu tố động cơ chính trị ưu tiên cho chiến tranh (bên cầu), mà không xem xét đủ về yếu tố khả năng tham chiến (bên cung). Khả năng tham chiến có thể là nhân tố chưa được tính đến trong câu chuyện về tần suất ngày càng tăng của chiến tranh. Chúng tôi cho rằng chính những nhân tố đáng nhẽ làm giảm động cơ của những nhà cai trị để chọn xung đột cũng là những nhân tố làm tăng cường khả năng tham chiến. Nói cách khác, chúng ta đang gây chiến thường xuyên hơn, không phải vì chúng ta muốn vậy, mà bởi vì chúng ta có thể”.

Nghiên cứu đưa ra ba giải thích cho điều này. Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế đã khiến vũ khí hủy diệt rẻ hơn, không chỉ rẻ hơn tuyệt đối mà còn rẻ hơn tương đối so với các hàng hóa dân sinh. Thứ hai, mấu chốt cho việc thâu tóm vũ khí hủy diệt của các quốc gia hiện đại là khả năng đánh thuế và vay mượn, và sự tăng trưởng của khả năng tài khóa được trợ giúp mạnh mẽ từ sự trỗi dậy của nền dân chủ. Thứ ba, chiến tranh khiến thương mại gián đoạn, nhưng những nước thành công trong việc duy trì mối dây thông thương với bên ngoài trong thời chiến có thể tiến hành chiến tranh hiệu quả hơn.

GS Mark Harrison kết luận: Nói cách khác, điều khiến các chính trị gia ít muốn chiến tranh hơn – tăng trưởng năng suất, dân chủ, cơ hội giao thương – cũng khiến chiến tranh trở nên rẻ hơn. Chúng ta có thêm nhiều cuộc chiến, không phải vì chúng ta muốn chúng, mà bởi vì chúng ta có thể tiến hành chúng. Cuối cùng, xét đến tình hình quốc tế hiện tại, xu hướng cố hữu kinh niên này không phải điều mà một quốc gia riêng lẻ có khả năng kiểm soát”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)